Cố gắng kiểm soát chặt chẽ việc phát hành phim trên mạng

26/05/2022
Cố gắng kiểm soát chặt chẽ việc phát hành phim trên mạng
Chiều 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dưới sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Phổ biến phim trên không gian mạng đã gây những tổn thương về tinh thần
Nói về các nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến, Đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng, chỉ vài ngày nữa dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được thông qua, song những người làm điện ảnh chân chính, tâm huyết vẫn còn đó không ít tâm tư để tiếp tục chuyển tải những thông điệp về cuộc sống qua từng lăng kính, thước phim.
Bên cạnh việc tiếp thêm những chế định để điện ảnh nước nhà bay cao, vươn xa thì dự luật này phải đảm đương sứ mệnh là công cụ bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội cũng như những sự thật thiêng liêng trước những thông tin xuyên tạc lịch sử, những nội dung xấu, độc, đồi trụy mà nhiều nền tảng xuyên biên giới phổ biến trên không gian mạng đang ngang nhiên tấn công vào tâm thức người xem.
Tuy nhiên, dự thảo lại xây dựng cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng mà điển hình là các nền tảng xuyên biên giới tại điểm a khoản 2 Điều 18, điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27. Trong khi việc để các nền tảng này tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn chứng như kể từ khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Netfix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước như “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” đến “Bà Ngoại trưởng” và gần đây nhất là “Bill Gates”.
“Như vậy, từ câu chuyện trong đời sống thực với giàn khoan HD 981 thì nay chủ quyền lãnh thổ đã và đang đối diện với một hình thái khác mà việc xuyên tạc lịch sử đang ký sinh lên nghệ thuật thứ bảy và những thành tựu khoa học công nghệ. Rõ ràng vị khách này không hề có thiện chí cũng như thiếu sự tôn trọng chủ nhà và dĩ nhiên không phải vô tình để vi phạm hết lần này đến lần khác. Hệ lụy của nó sẽ đi đến đâu nếu tiếp tục để môn Lịch sử là môn tự chọn của học sinh ở lứa tuổi đã bắt đầu có những tư duy và nhận thức độc lập. Gỡ bỏ nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác. Do đó, mặc dù báo cáo giải trình đã cố gắng lý giải nhưng chưa thể thỏa mãn với những gì đã và đang diễn ra trên không gian mạng”, Đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.
Do đó, đại biểu Nhân đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng điểm a khoản 2 Điều 18; điểm b khoản 2 Điều 21 và khoản 1 Điều 27 về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng. Cần giải pháp để các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem nói riêng và hàng chục triệu người nói chung.
Hay với nội dung cung cấp dịch vụ sản xuất phim giao cho tổ chức cá nhân nước ngoài được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13, Ban soạn thảo có đưa ra 2 phương án được xem xét. Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy phương án 2 quy định kịch bản phim bằng tiếng Việt chưa đủ chặt chẽ, còn chung thiếu chi tiết cụ thể, mà phim là tác nhân điện ảnh, nghĩa là tác phẩm nghệ thuật và là tài sản trí tuệ do tổ chức, cá nhân nước ngoài quay, sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Trong trường hợp này không phải là nhà làm phim của Việt Nam. Chúng ta đều biết phim được sản xuất không chỉ để phổ biến một lần, tức là không phải chỉ để công chiếu một lần mà được trình chiếu nhiều lần, nhiều nơi không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà trên toàn thế giới và lại được quy định phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam nên còn mang tính thời điểm, tính lịch sử, tính địa danh, quay phim và lưu qua nhiều năm, nhiều thế hệ, vì vậy cần lựa chọn phương án 1 là hợp lý hơn.
Đại biểu Phúc cho rằng, phương án 1 theo dự thảo quy định kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt là chi tiết cụ thể, đầy đủ, chặt chẽ hơn và phù hợp với các quy định khác có liên quan, là cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn việc cấp phép đối với dịch vụ phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam, nhằm hạn chế thấp nhất những vấn đề sơ suất khi mà áp dụng luật trong thực tiễn.
Đã cố gắng thiết kế chặt chẽ nhất việc kiểm soát phim phát hành trên mạng
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thay mặt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh 
 
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc mà các đại biểu nói khá nhiều là làm sao để chúng ta có thể đảm bảo được vấn đề kiểm soát được phim. Về xác lập thì rất mừng là nhiều đại biểu phân tích và lựa chọn phương án 2, cạnh đó cũng có đại biểu chọn phương án 1 trong Điều 13. Trong thực tiễn chúng ta đã thấy, có một số đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam chúng ta, họ quay, họ phân cảnh nhưng họ không gửi cho chúng ta kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt mà chỉ đưa cho chúng ta bản tóm tắt nội dung, chúng ta không kiểm soát được. Một bộ phim như bộ phim “Đồng cảm” của Mỹ quay ở Việt Nam, ban đầu quay ở Việt Nam và phân cảnh Việt Nam là tốt, vì chúng ta chỉ duyệt được phần của Việt Nam, còn khi sang Mỹ thì hoàn toàn là một nội dung phi chính trị và không đúng với lịch sử Việt Nam. Chúng ta phải mất rất nhiều công sức để ngăn chặn, tháo gỡ nội dung này. Vì vậy, nhiều đại biểu đồng ý về vấn đề kịch bản chi tiết bằng tiếng Việt, đây là quan điểm đúng và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là làm sao phải quản lý chặt chẽ được nội dung phim. Các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là nội dung phim phát hành trên mạng, ở đây bằng Điều 32, Điều 13 và Điều 21 dự thảo Luật đã cố gắng thiết kế một cách chặt chẽ nhất. Ông báo cáo thêm với các đại biểu Quốc hội là chúng ta còn quản lý bằng Nghị định 72 cũng như Luật An ninh mạng, chứ không phải chỉ riêng Luật Điện ảnh. Hiện nay, đối với phim phổ biến trên không gian mạng, các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng bình đẳng như nhau, không có chuyện không bình đẳng.
Về phương án kịch bản tại Điều 13, ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin, Điều 13 còn một quy định nữa là đề nghị các nhà làm phim nước ngoài họ phải cam kết với chúng ta không vi phạm các điều cấm của chúng ta. Đây là một nội dung chúng ta cố gắng kiểm soát./.
T.Quyên