Thường vụ Quốc hội thảo luận hai dự án Luật tổ chức quốc hội và luật công chứng

29/09/2006
Hôm nay 29/9, phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận cho ý kiến một số điều của Dự án Luật tổ chức Quốc hội và Dự án luật công chứng để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Luật tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2001 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội. Từ đó đến nay, Quốc hội đã đạt được những kết quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã tăng thêm từ 8% trong khóa X lên 25% trong khóa XI; cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và bộ máy phục vụ các cơ quan này cũng được tăng cường một bước. Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá tải, Quốc hội đã thống nhất việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ tập trung vào một số vấn đề cụ thể, thực sự bức xúc, đã có sự đầu tư nghiên cứu từ khóa X đến nay, đó là: Thành lập mới Ủy ban pháp luật và Ủy ban tư pháp của Quốc hội trên cơ sở Ủy ban pháp luật hiện nay và phân định, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc cho hai Ủy ban; thành lập mới Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính của Quốc hội trên cơ sở Ủy ban kinh tế và ngân sách hiện nay và phân định, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, khối lượng công việc cho hai Ủy ban…

Đa số đại biểu nhất trí với tờ trình về việc thành lập mới Ủy ban pháp luật Ủy ban tư pháp, Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính của Quốc hội trên cơ sở Uỷ ban pháp luật, Ủy ban kinh tế và ngân sách hiện nay, nhưng không tạo thêm tổ chức rườm rà, không tăng thêm biên chế hành chính… Đây thực chất là tổ chức lại cơ cấu làm việc của cơ quan Quốc hội nhằm phân công hợp lý và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội…

Cũng trong sáng nay, Dự án Luật công chứng đã được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về an toàn pháp lý trong giao lưu dân sự, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế…

Qua thảo luận một số đại biểu đề nghị, sau khi ban hành Luật công chứng cần sớm ban hành Nghị định để hướng dẫn thi hành. Về hoạt động công chứng, nhu cầu công chứng của công dân hiện nay là rất lớn. Vì vậy phải nhanh chóng phát triển các cơ sở công chứng để đáp ứng nhu cầu của người dân…Về tiêu chuẩn công chứng viên, có đại biểu cho rằng qui định như Dự thảo Luật là chưa hợp lý vì chỉ có các công chứng viên của Trung ương mới có thể đáp ứng yêu cầu là cử nhân luật, còn ở địa phương thì không thể đáp ứng được với yêu cầu đó…

Một số ý kiến cho rằng, công chứng và chứng thực là hai vấn đề khác nhau nên cần có các qui định rõ ràng về các vấn đề này và hai hoạt động này có quan hệ mật thiết, bổ trợ cho nhau…, và đề nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đa số ý kiến cho rằng: Việc sử dụng con dấu mang hình quốc huy gắn với việc thực hiện quyền lực nhà nước, nên chỉ có công chứng viên là công chức nhà nước ở các phòng công chứng nhà nước mới được sử dụng. Điều này xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta; đồng thời cũng phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành về sử dụng con dấu…Do đó nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án Luật cần báo cáo rõ vấn đề này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định sử dụng con dấu mang hình quốc huy trong Dự án Luật này phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm đối với người yêu cầu công chứng, như nghiêm cấm người yêu cầu công chứng cố tình cung cấp các tài liệu, văn bản, giấy tờ giả mạo, sai sự thật liên quan đến việc công chứng ... và đề nghị qui định, công chứng viên của phòng công chứng gây thiệt hại cho người công chúng thì phải bồi thường nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện pháp luật…

(Theo website Đảng Cộng sản)