Sáng 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật: Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài và Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Phương thức quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số đề cập trong dự thảo luật lần này được UBTVQH đánh giá là phù hợp với sự phát triển của xã hội trong nền kinh tế thị trường, cần nghiên cứu để từng bước triển khai thực hiện. Các ý kiến cũng nhất trí với điều kiện cấp giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ ở lĩnh vực này gồm: Có đề án hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; có bộ máy chuyên trách về giáo dục định hướng và đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ LĐ, TB - XH; người lãnh đạo doanh nghiệp phải có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế; có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ. Quan điểm về việc thành lập ngân hàng mô theo dự luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đa số ý kiến cho rằng trong xu thế hội nhập, khuyến khích mở rộng phát triển các thành phần kinh tế thì việc không cho phép thành lập ngân hàng mô tư nhân là không phù hợp. Đây là vấn đề mới, nhưng không nên chỉ có ngân hàng mô Nhà nước mà nên mở rộng cho cả tư nhân, nếu muốn tham gia. Trong dự thảo luật đã có quy định nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người. Do đó, việc quản lý là dựa trên cơ chế, điều kiện để giám sát, kiểm tra hoạt động của ngân hàng mô. Hơn nữa cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô còn nhằm thể hiện tinh thần xã hội hóa công tác y tế và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức.Vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên nhiều đại biểu nhất trí phải quy định cụ thể, chặt chẽ tiêu chuẩn xác định “chết não” nhằm tránh sự lạm dụng và khiếu kiện. Người đứng đầu cơ sở y tế phê duyệt danh sách nhóm chuyên gia xác định “chết não” và chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại của công dân. Bác sỹ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sỹ trực tiếp điều trị cho người “chết não” không được tham gia nhóm chuyên gia xác định “chết não”.Buổi chiều, UBTVQH nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Các vùng biển Việt Nam, từ đó nhất trí về sự cần thiết phải ban hành đạo luật này. Tiềm năng tài nguyên biển của nước ta vô cùng to lớn. Hiện tại, việc khẳng định chủ quyền, phạm vi, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta là rất quan trọng, cả về mặt đối nội và đối ngoại.
(Theo Hà nội mới)