Dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 63/CP

28/09/2006
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) VN và Bộ Y tế đang dự thảo sửa đổi một số quy định trong Nghị định 63/CP về bảo hiểm y tế (BHYT). Phóng viên Báo NLĐ đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Giám định y tế BHXH VN.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao lại sửa đổi một số quy định tại Nghị định 63/CP khi nghị định này mới triển khai chỉ hơn 1 năm?

- Ông Nguyễn Minh Thảo: Nghị định 63/CP mở thêm quyền lợi của người tham gia BHYT (bỏ cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh, trên 1.000 dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán) nên số đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh. Đến cuối năm 2006 này, dự kiến số người tham gia BHYT sẽ lên đến 40 triệu người, tăng 40% so với năm 2005. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn là tuy số đối tượng tham gia tăng nhưng mức phí bình quân chung của thẻ BHYT năm 2006 lại giảm. Nguyên nhân là do số đối tượng tăng lại chủ yếu là người nghèo nhưng mức đóng phí thấp (50.000 đồng/người/năm của năm 2005 và điều chỉnh lên 60.000 đồng/người/năm của năm 2006) chỉ bằng 1/3 mức bình quân của đối tượng BHYT bắt buộc.

Theo tính toán, năm 2006, mức đóng BHYT bình quân chung khoảng 130.000 đồng/người/năm; mức đóng bình quân của nhóm BHYT bắt buộc khoảng 170.000 đồng/người/năm (giảm so với năm 2005) và của nhóm BHYT tự nguyện khoảng 51.200 đồng/người/năm. Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia, quyền lợi của người tham gia BHYT gần như được mở tối đa, vì vậy đến thời điểm này có thể nói quỹ BHYT đã không còn cân đối được thu chi. Ngay những tháng cuối năm 2005, các địa phương đã thiếu 300 tỉ đồng và BHXH đã phải bổ sung.

Dự kiến, năm 2006 BHYT sẽ thu được khoảng 4.100-4.200 tỉ đồng nhưng chi khoảng 5.200 tỉ đồng, tức là bội chi khoảng 1.200 tỉ đồng và có thể còn cao hơn thế. Số tiền bội chi này sẽ phải lấy từ quỹ BHYT kết dư để chi trả. Hiện quỹ kết dư có khoảng 2.000 tỉ đồng, tức là cũng chỉ cầm cự được đến đầu năm 2007. Tình huống đó bắt buộc phải tính các giải pháp để quỹ BHYT không bị phá sản, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia.

 .Việc sửa đổi sẽ nhằm vào những nội dung nào?

- Sẽ sửa đổi nhiều nội dung. Trong đó, BHXH VN đã có báo cáo Chính phủ và đề xuất liên bộ (Tài chính, Y tế, LĐ-TB-XH) nhóm 3 giải pháp để bảo đảm quỹ BHYT. Ba giải pháp đó là tăng mức đóng BHYT, bãi bỏ quy định người bệnh không cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh như trong Nghị định 63/CP và giới hạn chi phí của các cơ sở y tế tuyến 2 (tức là có thể đưa ra mức trần thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến 2).

. Cụ thể, sẽ tăng mức đóng BHYT lên bao nhiêu?

- Trước mắt, chúng tôi đề nghị tăng mức đóng BHYT của người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi (trẻ dưới 6 tuổi sẽ được mua thẻ BHYT bắt buộc thay vì thẻ khám chữa bệnh miễn phí như hiện nay) lên mức bằng 3% lương tối thiểu từ ngày 1-1-2007 như tất cả các đối tượng khác. Khi đã thực hiện áp dụng mức đóng 3% lương tối thiểu cho các đối tượng người nghèo, trẻ em..., thì sau đó, mức đóng BHYT sẽ được tính chung cho mọi đối tượng, cụ thể là tăng lên bằng 5% lương tối thiểu. Thời điểm nào sẽ áp dụng mức tăng bằng 5% lương tối thiểu thì chúng tôi cũng chưa xác định cụ thể, có thể là tăng ngay hoặc sẽ tăng theo lộ trình.

. Nhưng tăng mức đóng BHYT rõ ràng sẽ ảnh hưởng đối với người tham gia!

- Nếu tăng mức đóng, 2 đối tượng nhạy cảm nhất là người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không bị ảnh hưởng vì được Nhà nước cấp thẻ BHYT. Còn đối với các đối tượng hưởng lương, dù tăng lên 5% lương tối thiểu nhưng người sử dụng lao động sẽ đóng góp 3%, người lao động chỉ đóng góp 2%, vì vậy cơ bản cũng không làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Còn đối với người tham gia BHYT tự nguyện, mức đóng sẽ được tính toán cụ thể trên cơ sở mức sống của từng địa bàn. Thực tế, mức phí BHYT bình quân theo quy định hiện hành thấp hơn nhiều so với nhu cầu chi phí y tế. Do đó, việc điều chỉnh mức đóng BHYT là cần thiết để đáp ứng được nhu cầu chi phí khám chữa bệnh.

. Thưa ông, việc quay lại quy định “cùng chi trả” trước đây có thể hiểu là một bước lùi?

- Với quy định “bệnh nhân không cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh”, Nghị định 63/CP đã tạo thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này đã dẫn đến trình trạng lạm dụng sử dụng thuốc và các kỹ thuật y tế không cần thiết (do bệnh nhân không phải giám sát chi phí khám chữa bệnh của bệnh viện). Quy định hiện hành cũng gây mất công bằng giữa người thường xuyên sử dụng BHYT và người ít sử dụng.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị quay lại thực hiện việc bệnh nhân cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh, tất nhiên là có giới hạn (dự kiến tối đa không quá 6 tháng lương tối thiểu/năm điều trị). Mặt khác, dự kiến những người thuộc đối tượng người nghèo không có khả năng cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh sẽ được miễn chi trả.

(Theo Người Lao động)