'1 luật sửa 9 luật' đã được chuẩn bị kỹ, khó tham nhũng chính sách

25/01/2022
'1 luật sửa 9 luật' đã được chuẩn bị kỹ, khó tham nhũng chính sách
Kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật.

Sáng 24/1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thị đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.

Đáng chú ý, Điều 3 dự thảo Luật quy định việc thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên, hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên. Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, Khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Sau đó, lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi, làm rõ hơn các vấn đề mà báo chí quan tâm

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Các điểm sửa đổi, bổ sung đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh


Chỉ áp dụng '1 luật sửa nhiều luật' khi thực sự cần thiết, cấp bách

Việc áp dụng hình thức "1 luật sửa nhiều luật" có nên áp dụng thường kỳ hay không, chứ không chỉ tại kỳ họp bất thường, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Kỹ thuật lập pháp dùng 1 luật sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ trong các luật. Vì vậy, theo tôi, tới đây chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thi hành pháp luật theo tinh thần Đại hội 13 của Đảng. Chúng ta cố gắng hạn chế tối đa, không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này, chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và cũng chỉ nên sử dụng để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể mà chúng ta đã phát hiện, nhận diện đầy đủ, được đánh giá tác động kỹ lưỡng, vì sử dụng kỹ thuật này khá phức tạp.

Vậy cơ sở nào để áp dụng "1 luật sửa nhiều luật" khi các lĩnh vực được điều chỉnh là khác nhau?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Như tôi vừa nêu ở trên, đây là kỹ thuật lập pháp mới và chỉ sử dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết, với nhu cầu cấp bách, đặc biệt là sử dụng trong lĩnh vực có quan hệ xã hội gần với nhau.

Để dễ áp dụng, biện pháp nào để sau khi công bố Luật, các tổ chức cá nhân đều hiểu rõ các quy định của Luật?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Về mặt kỹ thuật, chúng ta sẽ tiến hành hợp nhất các văn bản theo đúng tinh thần của Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cần đọc văn bản hợp nhất. Ví dụ, luật này sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, thì chúng ta sẽ tra cứu trong luật hợp nhất, qua đó, dễ dàng phát hiện quy định nào đã được sửa đổi bổ sung và nội dung như thế nào để áp dụng đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, tới đây, Bộ Tư pháp và các bộ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được quy định trong luật sửa đổi bổ sung sẽ tăng cường phổ biến pháp luật, cập nhật đầy đủ thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiểu rõ quy định này và áp dụng đồng bộ, thống nhất trong thực tế. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí phối hợp trong việc tuyên truyền để đưa các nội dung mới của Luật sửa đổi bổ sung 9 luật đi vào thực tiễn.

Trong vấn đề này, vai trò của các cơ quan báo chí vô cùng quan trọng.

Luật sửa đổi các vấn đề lớn, vậy đánh giá tác động của luật đã đầy đủ chưa, có biện pháp gì để phòng chống tham nhũng chính sách, thưa ông?

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu: Về nguyên tắc, Luật sửa đổi bổ sung 9 luật chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm còn vướng mắc, bất cập lớn mà chúng ta phát hiện thời gian qua đã chín, không thể không sửa để khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo. Luật được thông qua tại kỳ họp bất thường, nhưng trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, là các bộ quản lý 4 lĩnh vực lớn trong Luật đã đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc. Các chính sách lớn đều đã được các bộ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp đều thẩm định cụ thể, chi tiết. Các chính sách đều đã được lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động. Chính phủ đã trình Quốc hội từ tháng 6/2021, do chương trình kỳ họp cuối năm 2021 có nhiều việc nên Quốc hội đã xếp vào chương trình kỳ họp bất thường đầu năm nay.

Các điểm sửa đổi, bổ sung đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Cho nên, chắc là không có nguy cơ phát sinh trục lợi chính sách, bởi chúng ta đã nhận diện khá kỹ, khá cụ thể và khi được đưa vào áp dụng thì chỉ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Về chống tham nhũng chính sách thì chúng ta tiến hành đồng bộ các biện pháp, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Có thể 1 quy định của pháp luật rất tốt, nhưng trong quá trình tổ chức thi hành mà không chặt chẽ, không có cơ chế kiểm soát thì có khả năng phát sinh tham nhũng chính sách.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ hết sức lưu ý vấn đề này, có biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách.

Trong vấn đề phòng, chống tham nhũng thì vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí cực kỳ quan trọng. Chúng tôi mong phóng viên khi phát hiện các dấu hiệu của tham nhũng chính sách thì kịp thời phản ánh để các cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý.

Luật sửa đổi, bổ sung lần này có ý nghĩa thế nào đối với kết quả thu hồi sản tham nhũng, hiện còn đạt tỷ lệ thấp?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà: Đây cũng là vấn đề mà cử tri, người dân quan tâm. Mặc dù những năm gần đây đạt nhiều kết quả tích cực, có tiến bộ hơn, nhưng tính trung bình chỉ thu hồi được 10% tổng số tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Chính phủ đã phát hiện một điểm nghẽn quan trọng và trong lần sửa đổi này chúng ta đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đó. Đó là theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, trong một số trường hợp, khi thi hành án chúng ta phải xử lý tài sản xong trên địa bàn này thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác thi hành án trên địa phương khác. Tính trung bình, để xử lý tài sản mỗi vụ việc mất khoảng 6 tháng và trong một vụ án có 5 vụ việc thì chúng ta phải kéo dài đến 3 năm. Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung cơ chế mới, đó là cơ chế xử lý tài sản đồng thời tại 6 địa phương có tài sản cần xử lý. Đó là một trong các giải pháp quan trọng trong thu hồi tài sản tham nhũng.

Xin Bộ Tư pháp cho biết thêm về việc ủy thác thi hành án từng phần để giải quyết điểm nghẽn so với trước đây như thế nào. Cơ chế mới sẽ tạo kết quả đột phá, kỳ vọng gì trong thời gian tới về thu hồi tài sản?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu: Trong thời gian qua, việc ủy thác thi hành án chỉ ủy thác một lần cho một vụ việc. Nhưng có thực tế, trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu không quy định ủy thác thi hành từng phần thì rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Nếu chờ thi hành án xong ở địa phương này sau đó mới thi hành án ở địa phương kia thì có thể trong khoảng thời gian đó sẽ tạo kẽ hở nhất định cho các đối tượng có liên quan làm thất thoát tài sản và có thể dẫn tới thực tế là tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng kể cả vụ án về tín dụng ngân hàng thấp.

Vì vậy, Luật sửa đổi bổ sung lần này mở ra cơ chế có thể ủy thác thi hành tài sản ở nhiều địa phương để tiến hành đồng thời các công việc có liên quan nhằm bảo đảm hiệu quả của thu hồi tài sản.

Cùng với tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, chúng ta đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới đây, cụ thể là ngay trong năm 2022, công tác thi hành án dân sự sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Đức Tuân


baochinhphu.vn