Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động năm 2022

18/01/2022
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ban hành  Quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động năm 2022
Ngày 12/01/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (sau đây gọi là Hội đồng) đã ký Quyết định số 03/QĐ-HĐPH ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng và Quyết định số 04/QĐ-HĐPH phê duyệt Kế hoạch hoạt hoạt động của Hội đồng năm 2022.
Quy chế hoạt động của Hội đồng quy định về nguyên tắc hoạt động, phân công trách nhiệm các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương, mối quan hệ công tác, hoạt động của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của Hội đồng.
Theo đó, Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo toàn diện của Chủ tịch Hội đồng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Hội đồng và yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Quy chế này. Việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, đúng quy định của pháp luật và Quy chế này, phù hợp phạm vi quản lý của thành viên Hội đồng. Hội đồng hoạt động thông qua các Phiên họp, đoàn kiểm tra, thông tin, báo cáo hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có thể huy động đơn vị, cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức mình quản lý hoặc nguồn lực hợp pháp khác để tham gia thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2022, Hội đồng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Một là, tổ chức các phiên họp của Hội đồng theo Quy chế hoạt động của Hội đồng, trong đó tập trung tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng (ra mắt các thành viên Hội đồng; triển khai công tác của Hội đồng năm 2022) và Phiên họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Hội đồng.
- Hai là, thực hiện các giải pháp tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL.
- Ba là, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng các cấp năm 2022, trong đó tập trung chỉ đạo kiện toàn Hội đồng các cấp; truyền thông chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội gắn với việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, ổn định đời sống và phục hồi phát triển kinh tế; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2021 và năm 2022; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống tội phạm, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo; dịch bệnh, thiên tai; hội nhập quốc tế; các điều ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
- Bốn là, chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL năm 2012 và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, nhất là chuẩn bị Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
- Năm là, thực hiện chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động PBGDPL, bao gồm: Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động thu hút nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL; hướng dẫn, thu hút các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, luật gia, các chuyên gia, nhà khoa học... tham gia PBGDPL.
- Sáu là, chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Trên cơ sở kết quả tổng kết việc thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019-2021”, đề xuất định hướng chuyển đổi số trong giai đoạn tới, xây dựng dữ liệu dùng chung về PBGDPL. Chỉ đạo cập nhật thông tin trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia theo Quy chế cập nhật, quản lý, vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia.
- Bảy là, đôn đốc, định hướng, cho ý kiến về việc xây dựng, tổ chức thực hiện các Đề án và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg.
- Tám là, chỉ đạo việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
- Chín là, tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng năm 2022 tại các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương để đánh giá toàn diện công tác PBGDPL, trong đó giao Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các thành viên Hội đồng phân công các Đoàn kiểm tra phù hợp với thực tế. Tùy tình hình thực tế, Trưởng Đoàn kiểm tra quyết định cụ thể về nội dung, cách thức kiểm tra (trực tiếp, trực tuyến hoặc báo cáo), thời gian, địa điểm kiểm tra.
Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2022, các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, Hội đồng các cấp ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, đoàn thể, lĩnh vực được giao quản lý để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng; định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Cơ quan Thường trực Hội đồng (Bộ Tư pháp) theo thời hạn quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp./.
 Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật