Giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải làm thường xuyên, liên tục

23/11/2021
Giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải làm thường xuyên, liên tục
Sáng 23/11, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày nêu rõ, nhìn chung, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát năm 2020 đã cơ bản được các cơ quan triển khai với tinh thần khẩn trương, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, tạo chuyển biến tích cực.
Năm 2021, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đưa vào Chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; một số Ủy ban coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành theo kỳ giám sát hoặc định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn những vấn đề cần quan tâm cải tiến như: chưa thống nhất từ kỳ giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với từng văn bản, nhất là văn bản dưới Nghị định còn hạn chế…
Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản thì tỷ lệ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã tăng lên trong một số lĩnh vực. Về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất.
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi giám sát về cơ bản đã được ban hành đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục và căn cứ pháp lý ban hành văn bản. Đến nay, chưa phát hiện sai sót; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo và trình bày văn bản cơ bản được thể hiện cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng…
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong kỳ giám sát năm 2021 còn một số tồn tại, hạn chế. Việc nợ đọng văn bản của giai đoạn trước còn kéo dài; vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định đã ban hành trước khi luật, nghị quyết có hiệu lực mà không ban hành văn bản mới; vẫn phát hiện một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, bao gồm cả về thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản. Một số nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quy định giữa các luật có liên quan hoặc chưa phù hợp với quy định mới tại luật có liên quan được ban hành sau khi luật có hiệu lực thi hành…
Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các đề xuất, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo việc xây dựng văn bản hướng dẫn về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong công tác này ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Dành thời gian xem xét, thảo luận về công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại Phiên họp tháng 9 hàng năm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên trong kế hoạch công tác của mình; chủ động, kịp thời đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát văn bản quy phạm pháp luật và định kỳ báo cáo kết quả xử lý văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra gắn với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật…
Trước đó, tại phiên khai mạc Phiên họp thứ Năm vào sáng 22/11, nói về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc làm này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải pháp để xử lý những văn bản có nội dung sai hoặc chưa rõ ràng, cách hiểu và áp dụng không thống nhất đã được phát hiện. Có phương án giải quyết những khó khăn đã chỉ ra trong quá trình thực hiện giám sát và xem xét các kiến nghị đưa ra để thực hiện công tác này ngày càng hiệu quả và chất lượng nhằm mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, phải làm cho đến nơi đến chốn, chỉ rõ trách nhiệm ở đâu, trách nhiệm của ai, tổ chức nào, tập thể, cá nhân nào?", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
H.Mai