Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật

08/11/2021
Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật
Cho rằng tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, xem xét việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật.




Thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 8/11, Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và thực tế đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành quyết liệt, linh hoạt và xử lý kịp thời, đã ban hành nhiều quyết định, nghị quyết, nghị định theo thẩm quyền để tháo gỡ các rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số báo cáo khác có liên quan và từ quá trình tổ chức thực thi, Đại biểu nhận thấy Chính phủ cần quan tâm đánh giá rõ thêm một số hạn chế sau.

Thứ nhất, chỉ đạo, yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Đại biểu, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Chỉ thị 43 là cơ bản, toàn diện. Vấn đề là các nhiệm vụ, giải pháp này được tổ chức thực thi như thế nào, có đồng bộ, có nghiêm túc, có hiệu quả hay không.

“Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đánh giá, kiểm điểm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị nêu trên theo từng năm. Đồng thời cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác xây dựng, ban hành văn bản”, Đại biểu Hà cho biết.

Thứ hai, Đại biểu Hà đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá, xem xét việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành luật về tổ chức thi hành pháp luật. Hiện nay, hệ thống pháp luật cũng đã cơ bản đầy đủ, mỗi khi có vướng mắc trong quá trình thực thi lại cho rằng do thể chế. Nhưng thực tế, tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu và đây cũng là nhận định tại Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48.

Để tạo sự liên thông giữa công tác xây dựng pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật, vai trò của công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên như trong Báo cáo số 422 của Chính phủ đã đánh giá, việc tổ chức thi hành pháp luật có lúc có nơi còn lúng túng, chưa có hiệu quả.

Do đó, để thể chế hóa Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48 và để có cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác thi hành pháp luật thì việc xây dựng luật về tổ chức thi hành pháp luật là cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất rõ trong Quyết định số 242 và phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022.

Thứ ba, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh là phải coi đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật,

Việc duy trì và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế là rất quan trọng, nhất là trong thời gian tới, với quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xã hội thượng tôn pháp luật thì việc có được hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ pháp luật thấp thì nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật từ Trung ương đến địa phương cần đặc biệt được coi trọng.

L.Giang

baophapluat.vn