Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

23/08/2021
Ngày 20/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2021.
Theo đó, công tác xây dựng thể chế, pháp luật trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tích cực, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới theo thẩm quyền; trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, giải phóng năng lực sản xuất, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của các thành phần kinh tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết nêu rõ: Các dự án Luật, dự thảo Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, bảo đảm hiệu quả của hệ thống pháp luật; các vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc quy định của pháp luật còn có mặt chưa phù hợp với thực tiễn thì xây dựng quy định thí điểm để thực hiện, từ đó tổng kết, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.
Đồng thời, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, hoàn thiện chính sách, bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư thỏa đáng cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Trên tinh thần đó, Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường bảo hiểm; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế; nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật; tương thích với các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chính phủ thống nhất đối với nội dung cơ bản của dự án Luật và yêu cầu chỉnh lý một số nội dung theo hướng quy định về tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô: Tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô, gồm: doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập, hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình. Không mở rộng đối tượng cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô đối với Hợp tác xã và Doanh nghiệp bảo hiểm vi mô.
Quy định điều chỉnh về bảo hiểm bắt buộc tại các luật chuyên ngành khác: Bổ sung quy định về mặt nguyên tắc việc điều chỉnh đối với bảo hiểm bắt buộc được quy định tại các luật chuyên ngành khác và giao Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu và các vấn đề có liên quan khác.
Thứ hai, về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện và các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung chính sách theo hướng:
Hoàn thiện quy định quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện về quy hoạch, cơ chế cấp phép theo hướng bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng, bảo đảm công khai, minh bạch và giám sát, quản lý chặt chẽ, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia trong mọi trường hợp. Quy định các nguyên tắc cấp phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại, ngoài việc phân bổ băng tần phục vụ hoạt động an ninh, quốc phòng; giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đấu giá, thi tuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, các biện pháp bảo đảm tần số vô tuyến điện phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và các mục đích khác;
Hoàn thiện các quy định để tách bạch các khoản thu mà tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện khi sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện, trong đó: quy định rõ về phí, lệ phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và giao Chính phủ quy định mức thu, phương thức thu đối với tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
Hoàn thiện các quy định về quản lý, đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, theo đó xã hội hóa công tác đào tạo, cấp chứng chỉ; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý việc đào tạo và cấp chứng chỉ để bảo đảm thống nhất trong quản lý tần số, trừ trường hợp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế có quy định khác;
Nâng cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tính an toàn, không can nhiễu và bảo đảm an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện.
Thứ ba, về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Chính phủ cơ bản thông qua Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thi hành án dân sự; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Doanh nghiệp; Luật Điện lực) nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc trong thực hiện; cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí, thủ tục cho doanh nghiệp; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ phòng chống Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép; tăng cường phân cấp, phân quyền đi liền với công tác kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước.
Thứ tư, về việc thực hiện kết quả rà soát, kiến nghị của địa phương đối với các văn bản quy phạm pháp luật
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1079/CĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2021 và kết quả rà soát, thống kê của Văn phòng Chính phủ tại các văn bản số 3777/VPCP-PL ngày 07 tháng 6 năm 2021, số 2253/BC-VPCP ngày 17 tháng 8 năm 2021, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại điểm 3 Nghị quyết này; phối hợp với Bộ Tư pháp lập các Đề nghị xây dựng luật, trình Chính phủ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đối với kiến nghị của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung 188 Nghị định của Chính phủ, 20 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ được thống kê tại Công văn số 3777/VPCP-PL nêu trên, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành ngay theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1079/CĐ-TTg nêu trên.
Thứ năm, về dự thảo Nghị định thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và nội dung của dự thảo Nghị định. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành./.