Nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin

25/11/2020
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025”.
Hàng tỷ người trên toàn cầu có thể kết nối thông tin với nhau qua các thiết bị thông minh kết nối mạng internet, dung lượng lưu trữ thông tin chưa từng có trước đây cũng như khả năng tiếp cận tri thức là không có giới hạn. Những lợi ích mà công nghệ thông tin đem lại là vô cùng to lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như: bị xâm nhập, bị lộ lọt thông tin, tài liệu mật, tài liệu nhạy cảm… Do đó, việc đảm bảo an toàn thông tin là vô cùng quan trọng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cũng như tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Đề án hướng tới mục tiêu tổng quát là:
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn thông tin;
Giảm thiểu các sự cố mất an toàn thông tin bắt nguồn từ nhận thức yếu kém của con người về các nguy cơ mất an toàn thông tin;
Người sử dụng internet được trang bị đầy đủ nhận thức và các kỹ năng cơ bản về bảo đảm an toàn thông tin, có thể an tâm sử dụng mạng internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, tích cực, hiệu quả;
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhận thức được vai trò, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong nước tiêu biểu đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) đánh giá và công bố hoặc bảo trợ;
Học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng cơ bản để khai thác an toàn, hiệu quả, lành mạnh không gian mạng cho học tập, giải trí.
Bên cạnh đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là:
Tổ chức 03 chiến dịch nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cơ bản quy mô lớn trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
Thiết lập 03 trang/kênh trên mạng xã hội (tiêu biểu như Facebook, Zalo, Youtube) tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin để thu hút, tiếp cận tối đa người sử dụng tham gia, kết nối trên nhiều nền tảng khác nhau;
100% các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;
100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bảo hiểm xã hội, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, tài chính nhà nước khác xây dựng và triển khai các kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin cho cán bộ, nhân viên và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người sử dụng dịch vụ;
Trên 80% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cần thiết để tương tác lành mạnh, an toàn trên không gian mạng; 50% các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có các chương trình hàng năm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khả năng đọc tin, tư duy phê phán, phản biện về các thông tin sai lệch trên mạng nhằm tạo dựng một thế hệ mới có tư duy và sử dụng hiệu quả, tích cực trên không gian mạng;
Trên 80% người sử dụng nói chung và 100% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ mất an toàn thông tin và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về an toàn thông tin;
100% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thực hiện tuyên truyền, phổ biến nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin; trách nhiệm và quy tắc nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin;
Trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lãnh đạo các cơ quan báo chí được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới;
100% người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhà nước được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; ý thức được hậu quả cũng như trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin;
80% cơ quan, tổ chức được tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trong nước.
06 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
Nhiệm vụ 1: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng tại các cơ sở giáo dục.
Rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu, hướng dẫn giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, hoạt động ngoại khóa phù hợp với lớp học, cấp học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông), bảo đảm:
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tổ chức các cuộc thi thiết kế áp phích (poster), thiết kế mô hình, các video đa phương tiện, mã hóa an toàn và xâm nhập ứng dụng web cho các đối tượng từ trung học cơ sở tới đại học.
Thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cơ hội việc làm, tiềm năng, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng tại các cơ sở giáo dục.
Nhiệm vụ 2: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội.
Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các hệ thống thông tin cơ sở.
Nhiệm vụ 4: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin qua các phương thức khác.
Xây dựng các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cơ bản quy mô lớn, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; khuyến khích sự tham gia của người nổi tiếng, các ngôi sao giải trí, các công ty truyền thông, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để thực hiện tuyên truyền tự động.
Nhiệm vụ 5: Xây dựng nội dung tuyên truyền về bảo đảm an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng người cao tuổi và thanh thiếu niên.
Nhiệm vụ 6: Định hướng nội dung, hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.
 
Hồng Mây