Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL

14/02/2020
Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ phó thường trực Tổ công tác.

Tổ công tác hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác rà soát pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Quyết định số 236, các tổ phó là: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Các thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.
Mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ công tác giao đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ Bộ phận thường trực Tổ công tác; thành lập Tổ giúp việc Tổ công tác. Các Bộ, cơ quan liên quan cử từ 1-2 đại diện là cán bộ có chuyên môn chuyên sâu, kinh nghiệm về công tác xây dựng, rà soát, hoàn thiện pháp luật tham gia Tổ giúp việc Tổ công tác.
Tổ công tác sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp
Nguyên tắc, chế độ làm việc của Tổ công tác là Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của Tổ trưởng, thành viên Tổ công tác trước Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định nêu rõ: Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Tổ công tác, giúp Tổ trưởng Tổ công tác điều phối, triển khai hoạt động của Tổ công tác; đảm bảo các điều kiện làm việc của Tổ công tác. Đồng thời, Tổ công tác sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp.
Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác, Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác; Thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; có ý kiến độc lập về các Báo cáo kết quả rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, Báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Đồng thời, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ  đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
 

File đính kèm