Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

06/02/2020
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Ngày 5/2, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 26, thẩm tra sơ bộ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) với sự chủ trì của Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Tại Phiên họp, hầu hết các đại biểu đều tán thành cần thiết sửa đổi Luật XLVPHC, nhưng đề nghị xem xét lại phạm vi sửa đổi. Việc sửa đổi Luật XLVPHC phải giải quyết được 2 vấn đề. Cụ thể là tháo gỡ những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quy định của Luật và việc áp dụng Luật trong thực tế; đáp ứng được tốt hơn công tác phòng, chống vi phạm hành chính trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật cũng phải đáp ứng được những nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tính khả thi, hợp lý; tránh mâu thuẫn và chồng chéo; phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đa số ý kiến thể hiện sự đồng tình với cơ quan soạn thảo về các vấn đề nêu ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chưa đồng tình về việc tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung để thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đề nghị, mỗi vấn đề đưa ra phải đánh giá rất kỹ tình hình thi hành pháp luật, tác động của chính sách với cuộc sống, với xã hội. Đa số đại biểu nhất trí cần phải nâng mức xử phạt hành chính ở một số lĩnh vực, nhưng cần phải có báo cáo cụ thể tăng trong lĩnh vực nào, hành vi gì so với hiện hành.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại dư luận xã hội rất bất bình và không đồng tình với việc xử lý một số hành vi trong một số lĩnh vực như xử phạt 200.000 đồng với hành vi dâm ô và nhiều hành vi khác nữa. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu là phải tăng mức phạt ở một số lĩnh vực tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, yêu cầu đấu tranh phòng chống, giá cả, kinh tế - xã hội… “Tránh tình trạng do có dư luận nên tăng tất cả mà chưa tính đến trong lĩnh vực đó, chúng ta chưa sử dụng hết mức phạt tối đa Luật đã cho phép” - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Liên quan đến xử phạt hành chính, đến thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực có thay đổi về tổ chức, bộ máy theo quy định của luật chuyên ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình rằng cần cập nhật lại trong dự thảo. Hay quy định ủy quyền cho cấp phó, nhưng phải bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thời gian, trách nhiệm…
H.Thư