Trao đổi kinh nghiệm về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

25/10/2019
Trao đổi kinh nghiệm về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Ngày 24/10, TANDTC phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành (CNVCTH) phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Việc ít nhưng khó
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, hiện nay, Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương quan trọng như Công ước 1958, Công ước năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Công ước của Hội nghị La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và 17 điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp về dân sự. Đây là những điều ước quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác giải quyết, xét xử của Tòa án Việt Nam. Nhiều quy định của các điều ước quốc tế nêu trên đã được nội luật hóa vào Bộ luật TTDS năm 2015 để thuận tiện cho việc áp dụng trên thực tế.
Tuy nhiên, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy số lượng các tranh chấp thương mại quốc tế, yêu cầu CNVCTH phán quyết trọng tài nước ngoài mặc dù không nhiều, nhưng các loại vụ việc này lại rất đa dạng về quan hệ tranh chấp, phức tạp về tính chất và ngày càng tăng về số lượng qua các năm. Trong khi đó, còn có nhiều thẩm phán của Việt Nam chưa tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là kiến thức áp dụng pháp luật quốc tế khi giải quyết các loại vụ việc này; còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật TTDS về vấn đề này.
Vì vậy, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, hội thảo là cơ hội để các thẩm phán Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các thẩm phán nước ngoài trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, CNVCTH phán quyết của trọng tài nước ngoài. Theo đó, thông qua việc bình luận, thảo luận, trao đổi với các chuyên gia quốc tế về những vấn đề thuờng phát sinh trong quá trình giải quyết các loại việc nêu trên, các thẩm phán Việt Nam sẽ tích lũy được thêm kiến thức, kinh nghiệm bổ ích để phục vụ công tác trước mắt cũng như lâu dài. Qua đó, tạo được sự thống nhất của các thẩm phán khi áp dụng quy định của BLTTDS 2015, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong công tác giải quyết, xét xử các vụ án thương mại quốc tế tại Tòa án Việt Nam cũng như yêu cầu CNVCTH phán quyết của trọng tài nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết các loại việc này cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta trong thời gian tới.
Theo số liệu của TANDTC, từ ngày 01/10/2017 đến ngày 31/8/2018, các Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao đã gửi ra nước ngoài 2.069 hồ sơ ủy thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, trong đó, số vụ án kinh doanh, thương mại và lao động chỉ chiếm 2%. Sở dĩ loại việc CNVCTH phán quyết trọng tài nước ngoài ở Tòa án không nhiều là do các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thường tuân thủ và tự nguyện thi hành phán quyết, các trường hợp phải yêu cầu CNVCTH tại Tòa án rất hạn hữu. Tuy nhiên, đây là loại việc khó so với các loại việc được giải quyết tại Tòa án do liên quan đến các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế.
Tạo thuận lợi để củng cố lòng tin của doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam
Phán quyết trọng tài nước ngoài phải có yêu cầu và điều kiện thi hành ở Việt Nam mới được CNVCTH. Bởi theo quy định của Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc về CNVCTH phán quyết của trọng tài nước ngoài và pháp luật tố tụng dân sự (TTDS) thì các phán quyết trọng tài không có yêu cầu thi hành đương nhiên có hiệu lực ở các quốc gia thành viên. Còn Điều 424 Bộ luậtTTDS 2015 quy định: “Phán quyết trọng tài nước ngoài được CNVCTH tại Việt Nam phải là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt thủ tục tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành”.
Thẩm phán TAND TP Hà Nội Nguyễn Đình Tiến phản ánh, thực tiễn giải quyết loại việc CNVCTH tại Tòa án Hà Nội nhiều năm qua cho thấy việc tìm hiểu và vận dụng pháp luật vẫn còn gặp phải một số vấn đề khó khăn. Đặc biệt là, việc xác định phán quyết trọng tài nước ngoài có phải là phán quyết cuối cùng hay không, bởi lẽ có những phán quyết mà thẩm phán cần thẩm tra xác minh mới khẳng định được có phải là phán quyết cuối cùng hay không.
Về xác định nơi người phải thi hành có trụ sở hoặc cư trú thì thực tiễn cho thấy có nhiều pháp nhân thay đổi địa điểm liên tục, không cố định, thậm chí có trường hợp bỏ trốn. Một số trường hợp, người yêu cầu chỉ xuất trình được địa chỉ theo như phán quyết trọng tài và đề nghị Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật TTDS để điều tra xác minh địa chỉ của người phải thi hành… Đây là vấn đề cần có sự hướng dẫn cụ thể để việc CNVCTH được áp dụng thống nhất.
Để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập và hoàn thành tốt công tác tương trợ tư pháp, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Dương Văn Chính kiến nghị TANDTC tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng các giải pháp. Chẳng hạn như phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan trong việc trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp với Việt Nam để có hướng xử lý thích hợp nhằm hạn chế thời gian kéo dài giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp tại TANDTC, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao; tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác tương trợ tư pháp cũng vô cùng cần thiết…
Dẫn số liệu thống kê của TANDTC về tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm 2014 - 2018 dao động ở mức thấp từ 80 - 151 vụ, bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam còn cho biết: Số yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết cũng thấp so với tổng số yêu cầu được tiếp nhận (trong 5 năm chỉ giải quyết 28/45 yêu cầu). 
Trong bối cảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, điển hình là theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất vào năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam đã tăng 10 bậc để xếp hạng thứ 67 về năng lực cạnh tranh thì bà Catherine đề nghị Tòa án Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, CNVCTH các phán quyết của trọng tài nước ngoài. “Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt Nam” – bà Catherine nhấn mạnh.
H.Thư – P.Mai