Ngày 16/10, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49) đã tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49 Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49 Nguyễn Hòa Bình đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị (dự kiến cuối tháng 12/2019).
Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Đồng thời, đề ra 5 quan điểm, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (sơ kết 3 năm, 5 năm và tổng kết 8 năm) và lần này là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đạt được sau thời gian thực hiện Nghị quyết 49 đồng thời cũng chỉ rõ việc thực hiện một số nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của Nhà nước và nhân dân. Qua đó, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020.
Nhận định với Nghị quyết 49 “mang tính lịch sử”, làn sóng cải cách với biên độ mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn nguyên Ủy viên Thường trực BCĐ Cải cách tư pháp trung ương khẳng định: về cơ bản các phương hướng Nghị quyết 49 đề ra vẫn còn nguyên giá trị. Phân tích một số nội dung còn hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cho rằng, cải cách tư pháp phải tiếp tục đổi mới hoạt động của TAND, trong đó xem xét mô hình tổ chức tòa án cấp sơ thẩm; thực hiện quyết liệt Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành TW về sắp xếp thu gọn bộ máy; lập Trung tâm hòa giải tại tòa án nhằm giảm tải “gánh nặng” cho ngành Tòa án. Bên cạnh đó, cải cách chế định hội thẩm; có cơ chế bảo vệ Hiến pháp; tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối.
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp. Theo đó, phát huy vai trò của chế định Thừa phát lại; chuyển đổi các Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng; xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; chuyển đấu giá tài sản sang doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, đào tạo cán bộ pháp lý, tăng cường sự giám sát của xã hội với hoạt động tư pháp…
GS.TS Đào Trí Úc thì băn khoăn “các ý tưởng sáng ngời của Nghị quyết 49 đã được hiện thực hóa đến đâu trong hệ thống pháp luật và thực tiễn”. Ví dụ nguyên tắc tranh tụng đã được quy định trong Hiến pháp; hay quy định Tòa án là trung tâm của hệ thống Tư pháp, hoạt động xét xử là trọng tâm nhưng trung tâm, trọng tâm như thế nào theo GS.TS Đào Trí Úc cần hướng dẫn cụ thể để tạo nhận thức và áp dụng pháp luật thống nhất.
GS.TS Nguyễn Minh Đoan, ĐH Luật thì chỉ ra những bất cập trong chế định hội thẩm và thẩm phán. “Thẩm phán là người có năng lực, trình độ, được đào tạo bài bản còn hội thẩm không có nghiệp vụ nhưng lại có quyền ngang nhau trong xét xử là không nên”. Vì lý do này GS.TS Nguyễn Minh Đoan đề nghị chỉ nên quy định Hội thẩm và thẩm phán có quyền ngang nhau trong định tội, còn tội gì, hình phạt bao nhiêu năm phải do thẩm phán quyết định và chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Minh Đoan cũng cho rằng cần thay đổi thủ tục tố tụng cho nhanh gọn, linh hoạt để đỡ mất thời gian, công sức cho người dân và cho chính cơ quan tố tụng
Đồng tình với nhiều phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, TS Đinh Trung Tụng nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cần xây dựng pháp luật đăng ký bất động sản; xây dựng Luật Thi hành án hành chính, trong đó có quy định rõ về cưỡng chế thi hành án hành chính vì thực tế nhiều chủ tịch UBND các cấp không thực hiện quyết định, bản án của tòa khiến người dân bức xúc. TS Đinh Trung Tụng cũng như một số đại biểu khác đề nghị Ban chấp chấp hành TW Đảng cần ban hành Nghị quyết về chiến lược xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật để tương xứng với tầm quan trọng của công tác này trong giai đoạn tiếp theo.
Thu Hằng