Ngày 15/10, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Hội thảo khoa học lần 2 với chủ đề “Nghị quyết 48-NQ/TW và một số vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
Hội thảo đã thu hút đông đảo đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 48; đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật cho giai đoạn tiếp theo.
Phải có sản phẩm tổng kết
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Nghị quyết số 48 - NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 chính là Nghị quyết đầu tiên xác định một chiến lược dài hạn về xây dựng pháp luật, xuất phát từ nỗ lực của Bộ Tư pháp. Nghị quyết 48 có nhiều điểm mới, nổi bật là Nghị quyết đã có những thay đổi trong quan điểm về hệ thống pháp luật; khi đánh giá nhu cầu xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã đưa ra 4 trụ cột, gồm thể chế, thiết chế, nguồn nhân lực, đào tạo pháp luật cũng như thông tin pháp luật.
Qua 15 năm triển khai, Nghị quyết 48 đã gần đến thời điểm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nên cần tiến hành đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì tổng kết Nghị quyết. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW. Việc tổng kết phân ra 63 tỉnh, thành, tích hợp vào 8 đầu mối chính để xây dựng thành báo cáo chung, trong đó Viện Nghiên cứu lập pháp được giao là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết.
Để đảm bảo chất lượng trong quá trình tổng kết, ngoài các nhóm công việc đã được phân công thì cơ quan thường trực đã tổ chức thêm các hoạt động tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm lấy ý kiến đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 48, đưa ra kiến nghị cho xác định tầm nhìn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian tiếp theo. Gợi mở về các nhóm vấn đề cần thảo luận, ông Hiển mong muốn các đại biểu tập trung đề xuất định hướng đối với một số nội dung như quan niệm về hệ thống pháp luật; sự đồng bộ giữa lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; nhóm giải pháp chính hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian tới.
Ông Hiển nêu, về vấn đề các trụ cột chính trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, nếu Nghị quyết 48 đưa ra 6 định hướng thì trong quá trình tổng kết cũng có đề xuất cần xoay quanh 3 trụ cột chính là Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, quyền con người. Việc xác định tầm nhìn cho hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, lần này có nên tiếp tục tầm nhìn dài hạn không, nếu có thì tầm nhìn đến bao giờ, theo tầm nhìn của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không hay xa hơn? Qua tổng kết phải có sản phẩm tổng kết, mở ra đường hướng mới, vậy sẽ trình Bộ Chính trị ra kết luận hay tổ chức hội nghị Trung ương chuyên đề (riêng về pháp luật hay cả pháp luật, tư pháp, hành chính) hoặc có cần ban hành chiến lược cho giai đoạn tiếp theo?…
Thời điểm “vàng” để thống nhất các cuộc cải cách
Từ gợi mở trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có nhiều góp ý quý báu. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), TS Dương Thị Thanh Mai trao đổi về sự đồng bộ trong việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam với Chiến lược cải cách tư pháp và cải cách hành chính. Qua đây, bà Mai nhận thấy vẫn còn thiếu một bản thiết kế tổng thể với một cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất các cuộc cải cách lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Bà Mai khẳng định, trong thời điểm hiện nay là cơ hội để đóng góp vào việc hoạch định chính sách, chiến lược tiếp tục cải cách, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Căn cứ các yêu cầu đặt ra về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được nêu trong Nghị quyết 48, PGS.TS Tường Duy Kiên (Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, đến nay hầu hết các quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền con người của các nhóm yếu thế trong xã hội đã có luật điều chỉnh. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đây được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Nhưng trong bối cảnh mới, cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng, thực tiễn triển khai Nghị quyết 48 cho thấy tác động tích cực rõ rệt của việc cân đối lại hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành phù hợp với định hướng của Nghị quyết. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần đánh giá tổng thể nhu cầu cải cách thể chế, tổ chức, hoạt động của các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát triển đội ngũ nhân lực làm việc trong ba lĩnh vực này; tạo các điều kiện bảo đảm cho quá trình cải cách. Có ý kiến đề nghị, không nên xây dựng chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật dài hạn cho giai đoạn tới mà nên mang tính mở, để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, thích ứng với nhu cầu của quản lý nhà nước trong bối cảnh mới.
H.Thư