Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn theo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Năm 2018, công tác phòng, chống tội phạm giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 82,32%, cao hơn 1,9% so với năm 2017, tỷ lệ giải quyết, xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 90,22%; nhiều mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, các vụ án lớn, phức tạp về ma túy, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 234.606 vụ việc vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách 19.377 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ), khởi tố 1.446 vụ án, 1.656 đối tượng.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tổ chức quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác. Cơ quan thường trực của 2 Ban Chỉ đạo thống kê, theo dõi sát việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên Trưởng Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.
2. Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam... Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể phải căn cứ Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Bộ Chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ).
3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Có giải pháp quyết liệt phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm lâm...), kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng phải kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định, đảm bảo nội bộ trong sạch, vững mạnh.
4. Làm tốt công tác phòng ngừa, công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, sử dụng công nghệ cao, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.... các cơ quan chức năng cần xác lập chuyên án để mở rộng đấu tranh, triệt phá tận gốc, đánh trúng đối tượng cầm đầu. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, không, làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để hình thành các điểm nóng về an ninh - trật tự.
6. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết
35/NQ-CPngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đồng thời phải bảo đảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước để phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật.
7. Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực này.