Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Tổ chức quốc tế về Luật phát triển

15/02/2019
Ngày 12 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 64/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO). Việc ban hành Kế hoạch nhằm đảm bảo sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động của IDLO, góp phần thiết thực thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy hợp tác đa phương, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; khai thác tối đa các lợi ích thành viên của IDLO nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật. Kế hoạch đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể là:
(i) Phát huy vai trò thành viên tích cực của IDLO như tham dự Hội nghị quốc gia thành viên thường niên của IDLO;
(ii) Tham gia các hoạt động do IDLO chủ trì trong một số lĩnh vực pháp luật là thế mạnh của IDLO như pháp quyền và tiếp cận công lý, bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, phòng, chống buôn bán người và các lĩnh vực khác trên cơ sở chính sách ưu tiên của IDLO, ưu tiên của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và đề xuất của các cơ quan liên quan của Việt Nam;
(iii) Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam với IDLO[1];
(iv) Đàm phán, ký kết và triển khai các chương trình, dự án hợp tác với IDLO phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thế mạnh của hai Bên nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật của Việt Nam;
(v) Tổ chức và tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng đối ngoại liên quan cho cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam do Việt Nam và/hoặc IDLO tổ chức.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao “là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên của IDLO của Việt Nam theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016”, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO của Bộ Tư pháp[2]. Hai mục tiêu chiến lược đã được hoạch định trong Kế hoạch là:
- Triển khai tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được phân công tại Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thiết thực thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy hợp tác đa phương, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; và
- Khai thác tối đa các lợi ích thành viên của IDLO nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật và nâng cao năng lực cho cán bộ pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Bên cạnh việc đề ra các mục tiêu cụ thể, để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, Kế hoạch đã xây dựng ba nhóm nội dung chính là:
(i) Tuyên truyền, phổ biến về IDLO và sự tham gia của Việt Nam
Để thực hiện nhóm nội dung này, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ chủ trì và phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí dân chủ và pháp luật, Viện Khoa học pháp lý, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị có liên quan đăng tải các bài viết, chuyên đề, tin tức giới thiệu về IDLO, các nội dung và tình hình thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên IDLO của Việt Nam và các quốc gia thành viên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp cũng như các trang thông tin thành phần về hợp tác quốc tế về pháp luật, các sách, báo, tạp chí, bản tin truyền hình có nội dung liên quan đến hợp tác quốc tế về pháp luật. Các bài viết và chuyên đề sẽ tập trung vào một số nội dung chính như:
- Giới thiệu về IDLO, quá trình gia nhập, hoạt động của Việt Nam với tư cách thành viên IDLO và các thông tin, nghiên cứu, báo cáo, tài liệu của IDLO;
- Nghiên cứu, xây dựng, tập hợp và cập nhật các bài viết về IDLO cũng như thực tiễn thực thi quyền và nghĩa vụ IDLO của các nước thành viên;
- Trao đổi, học tập và phổ biến kinh nghiệm về sự tham gia vào IDLO của các quốc gia tương đồng về điều kiện, hoàn cảnh với Việt Nam.
(ii) Tham gia các hoạt động trong khuôn khổ IDLO phù hợp với tình hình thực tế và năng lực của Việt Nam
Đối với nhóm nội dung này, Bộ Tư pháp sẽ cử cán bộ có chuyên môn tham dự Hội nghị quốc gia thành viên thường niên của IDLO. Ngoài ra, cán bộ Bộ Tư pháp sẽ tham gia các hoạt động chuyên môn pháp luật do IDLO thông qua việc tham dự các hội thảo, hội nghị, phiên họp, diễn đàn của IDLO về những chủ đề pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của Việt Nam.
(iii) Tăng cường hợp tác với IDLO trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và IDLO, ký ngày 23/02/2017.
Theo Thỏa thuận hợp tác, Bộ Tư pháp và IDLO sẽ tập trung hợp tác trên các lĩnh vực sau:
- Nâng cao kiến thức và trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, phổ biến pháp luật và các hoạt động hợp tác khác liên quan đến các vấn đề pháp luật và tiếp cận công lý;
- Nâng cao năng lực cho các cán bộ pháp luật, cán bộ tư pháp của Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức pháp luật khác có liên quan;
- Xây dựng và hỗ trợ củng cố mạng lưới đối tác ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm tìm kiếm các nguồn lực để triển khai thực hiện các sáng kiến chung; xác định và duy trì kênh liên lạc ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế giữa Bộ Tư pháp và IDLO với các chuyên gia pháp lý, cán bộ tư pháp, tòa án, trường đại học, tổ chức và các cơ quan pháp luật có liên quan, bao gồm việc trao đổi và nâng cao kiến thức và tăng cường hợp tác song phương;
- Hợp tác trong các lĩnh vực khác phù hợp và hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu chính của Thỏa thuận hợp tác mà cả Bộ Tư pháp và IDLO cùng quan tâm.
Các hoạt động triển khi các nội dung hợp tác giữa Bộ Tư pháp và IDLO được thực hiện thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, dự án nghiên cứu, các khóa đào tạo và các hoạt động khác.
            Hoàng Hà, Vụ Hợp tác quốc tế

[1] Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Tổ chức quốc tế về Luật phát triển được ký ngày 23/02/2017. Thỏa thuận hợp tác gồm Lời nói đầu và 08 điều khoản (Điều I. Mục đích của Thỏa thuận hợp tác; Điều II. Lĩnh vực hợp tác; Điều III. Hình thức hợp tác; Điều IV. Biểu tượng, tên và logo; Điều V. Đơn vị đầu mối; Điều VI. Giải quyết tranh chấp; Điều VII. Sở hữu trí tuệ; Điều VIII. Điều khoản chung).
[2] Ngày 25/12/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 3080/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch thực hiện Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Tổ chức quốc tế về luật phát triển của Bộ Tư pháp.