1. Khái quát
Trong bối cảnh một số quốc gia công nghiệp phát triển như Đức (Chương trình “Công nghiệp nền tảng – Platform Industrie 4.0, công bố năm 2015), Hoa Kỳ (Chương trình “Trí thông minh nhân tạo, Tự động hóa, và Nền kinh tế”, công bố năm 2016), Nhật Bản (Chương trình “Tầm nhìn cấu trúc công nghiệp mới”, công bố năm 2017) đặt cược sự thịnh vượng của quốc gia trong tương lai vào việc phát triển công nghệ thông minh thông qua các hình thức hợp tác đối tác công tư, nhằm đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Hàn Quốc cũng đi theo trào lưu chung đó.
Tháng 11/2017, Chính phủ Hàn Quốc và Ủy ban tư vấn của Tổng thống Hàn Quốc về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đồng công bố Kế hoạch ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Hàn Quốc. Kế hoạch này có tên đầy đủ là “Kế hoạch lấy con người làm trung tâm ứng phó với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo” (
People-centered “Plan for the Fourth Industrial Revolution” to Promote Innovative Growth) gọi tắt là I-KOREA 4.0. Đây là sản phẩm của nỗ lực chung của 21 bộ, ngành trong Chính phủ Hàn Quốc nhằm phác họa một chương trình hành động 5 năm (giai đoạn 2018-2022) mà các cơ quan trong Chính phủ Hàn Quốc thực hiện những cam kết của mình nhằm bảo đảm rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trở thành một cơ hội lớn cho xã hội và người dân Hàn Quốc thay vì trở thành một thách thức không thể vượt qua. Kế hoạch cũng thể hiện khát vọng mong muốn đưa Hàn Quốc giữ vị trí là một quốc gia tiên phong, dẫn đường trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Với phương châm lấy con người làm trung tâm, kế hoạch mong muốn mọi người dân Hàn Quốc đều có chỗ đứng, đều tham gia và được thụ hưởng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kế hoạch thể hiện sự cổ vũ cho 4 giá trị: “thông minh” (intelligence), “đổi mới sáng tạo” (Innovation), “bao trùm” (inclusiveness), và “tương tác” (interaction).
Kế hoạch được đưa ra cũng nhằm tìm nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2006-2010 nằm ở mức 3,7%/năm; giai đoạn 2011-2015 nằm ở mức 3,4% trong khi giai đoạn 2016-2020 chỉ được dự báo ở mức tăng trưởng 2,8%). Thêm vào đó, kế hoạch cũng hướng tới việc giải quyết các vấn đề xã hội nhằm tăng mức sống của người dân, theo đó, trong 10 năm qua (giai đoạn 2006-2016), trong khi Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc tăng 28,6% thì chất lượng sống của người dân Hàn Quốc chỉ cải thiện ở mức 11,8%.
2. Tầm nhìn về cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bản Kế hoạch
Theo góc nhìn thể hiện trong Kế hoạch kể trên, Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là một
cuộc cách mạng công nghệ thông minh dựa trên các siêu kết nối được thúc đẩy bởi sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), và các công nghệ số khác được kỳ vọng đưa tới những chuyển đổi sáng tạo không chỉ trong từng ngành công nghiệp mà bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, xã hội và trong cuộc sống thường nhật của người dân. Đây cũng là sự kế tục của 3 cuộc cách mạng công nghiệp (hay còn gọi là 3 chuyển đổi xã hội cơ bản) trước đó nhờ những công nghệ sáng tạo như máy hơi nước (cuộc cách mạng cơ khí hóa), điện (cuộc cách mạng điện khí hóa), máy tính (cuộc cách mạng thông tin và truyền thông, gắn với hệ thống kết nối Internet).
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thúc đẩy những công nghệ mới, nhất là trí thông minh nhân tạo, năng suất lao động ở nhiều ngành, lĩnh vực từ nay đến năm 2030 sẽ được nâng lên trong khoảng 30% đến 155%. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng có tác động xã hội trực tiếp khi một số công việc (nhất là các công việc đơn giản hoặc công việc có tính lặp đi lặp lại) sẽ bị thay thế bởi người máy (robot) dẫn tới tình trạng thất nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực nhưng có thể tạo ra cơ hội việc làm mới trong những ngành có tính đổi mới sáng tạo.
Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, với sự tiên phong của mình trong việc hiện đại hóa công nghệ trong những thập niên vừa qua, cộng với sự đầu tư lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, với vị trí là một trong quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực, Hàn Quốc hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy vậy, Hàn Quốc vẫn cho rằng, ở cấp độ quốc gia, Hàn Quốc vẫn chưa thực sự chuẩn bị tốt cho cuộc cách mạng này khi mà theo các đánh giá quốc tế công bố năm 2016, Hàn Quốc chỉ mới đứng thứ 25 trên thế giới về năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xét ở góc độ hệ thống giáo dục và mức độ tiến bộ công nghệ trong khi việc thích ứng với cuộc cách mạng này đỏi hỏi một sự thay đổi căn bản, chưa có tiền lệ trong cấu trúc kinh tế và xã hội của Hàn Quốc.
Chính vì thế, chọn lựa ở tầm chiến lược của Hàn Quốc là sử dụng cơ chế đối tác công tư, với sự dẫn dắt của khu vực kinh tế tư nhân có sự hỗ trợ toàn diện của nhà nước để thích ứng với cuộc cách mạng lần thứ tư thông qua sự tăng cường gắn kết giữa khoa học, công nghệ với công nghiệp, kinh tế, xã hội và hệ thống thể chế, chính sách. Nhận diện những ưu và nhược của Hàn Quốc hiện nay, Kế hoạch cho rằng, xét về công nghệ, Hàn Quốc có ưu thế đang là quốc gia đứng thứ nhất/nhì thế giới về chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (năm 2016-2017) và đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy vậy, mức độ phát triển các công nghệ thông minh ở Hàn Quốc mới chỉ bằng khoảng 70% so với các quốc gia dẫn đầu khác (ví dụ như so với Hoa Kỳ, Đức và Nhật). Về công nghiệp, Hàn Quốc đứng thứ 5 trong số 40 quốc gia hàng đầu xét về năng lực cạnh tranh sản xuất công nghiệp nhưng việc ứng dụng các công nghệ thông minh và ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn vẫn thua kém so với các nền kinh tế phát triển. Về xã hội, Hàn Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia OECD về chỉ số PISA (chương trình đánh giá năng lực sinh viên quốc tế) và thứ 17 trong 188 quốc gia về chỉ số phát triển con người (HDI) tuy nhiên, chỉ có 46,9% người lao động có bảo hiểm việc làm và tính đến 2022, Hàn Quốc thiếu khoảng 3.290 chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông minh.
Trước thực tế đó, Hàn Quốc đặt ra 4 định hướng cơ bản: (1) tạo dựng những ngành công nghiệp mới đa dạng thông qua việc đổi mới các công nghệ thông minh và củng cố những ngành công nghiệp chủ chốt; (2) cải thiện chất lượng sống của con người bằng việc giải quyết những vấn đề xã hội thường gặp; (3) tạo lập những công việc có chất lượng cao, củng cố mạng lưới an sinh xã hội để sẵn sàng đối phó với những biến động trên thị trường lao động; (4) bảo đảm các công nghệ thông minh cùng hệ thống kết nối và các cơ sở dữ liệu chất lượng hàng đầu thế giới có khả năng tiếp cận đối với tất cả mọi người.
Kế hoạch cũng đề ra 12 Nhóm dự án đổi mới công nghệ thông minh ứng dụng trong 12 lĩnh vực kinh tế-xã hội quan trọng bao gồm: (1) sản xuất công nghiệp; (2) phương tiện giao thông; (3) năng lượng; (4) tài chính và logistics; (5) nông nghiệp và ngư nghiệp; (6) y tế; (7) giao thông; (8) đô thị; (9) môi trường; (10) phúc lợi; (11) an ninh, an toàn xã hội và (12) quốc phòng. 12 Nhóm dự án đổi mới công nghệ thông minh này được xem là các động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế-xã hội tiến lên phía trước.
3. Những nhiệm vụ cơ bản thể hiện trong Kế hoạch
Kế hoạch đặt ra các nhóm nhiệm vụ chuyển đổi tất cả các lĩnh vực công nghiệp và xã hội dựa trên các công nghệ thông minh với mục đích sớm hiện thực hóa những tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo ra những ngành công nghiệp và những việc làm mới:
-
Với lĩnh vực y tế, tạo lập ngành công nghiệp y tế thông minh, trải dài từ phòng bệnh đến chữa bệnh: mở rộng hệ thống trao đổi thông tin y tế điện tử trong toàn quốc để thiết lập nền tảng dữ liệu cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao (và được phản ánh phù hợp vào hệ thống phí bảo hiểm y tế vào năm 2022). Thiết lập hệ thống trao đổi và sử dụng dữ liệu lớn trong y tế trong các năm 2018-2019 giữa các chủ thể như Cơ quan bảo hiểm y tế quốc gia, Cơ quan đánh giá và giám sát bảo hiểm y tế, các tổ chức khác có liên quan và thúc đẩy việc xây dựng, ban hành Luật đặc biệt về dữ liệu lớn trong y tế. Tạo giá trị gia tăng mới trong ngành y tế bằng việc phân tích các dữ liệu thông tin khám, chữa bệnh, thông tin về gen và các thành tố dược phẩm sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn; cung cấp các chuẩn đoán và chữa trị chính xác đối với những bệnh quan trọng thường gặp, nhất là bệnh ung thư cho từng cá nhân (vào năm 2020); giảm thời gian và chi phí phát triển các loại dược phẩm mới (từ mức trung bình 85 sản phẩm thử nghiệm vào năm 2015 cho một loại dược phẩm mới xuống còn 22 sản phẩm thử nghiệm vào năm 2022). Nâng tuổi thọ bình quân của quốc gia từ 73 tuổi vào năm 2015 lên mức 76 tuổi vào năm 2022. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, công nghệ nano sinh học, người máy để phát triển robot phẫu thuật và các thiết bị y tế sáng tạo mang tính dẫn đầu trên thị trường thiết bị y tế thế giới.
-
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy các nhà máy thông minh bằng việc xây dựng các nhà máy thông minh mẫu trong các lĩnh vực (trung bình khoảng 50 nhà máy thông minh trong mỗi lĩnh vực như ô tô, thiết bị điện tử v.v.) nhằm nâng cao năng suất lao động trong sản xuất công nghiệp, đạt mức tối ưu hóa vào năm 2022. Tăng cường năng lực làm việc và cơ hội việc làm cho phụ nữ và người khuyết tật nhờ sự phát triển và thương mại hóa người máy chế tác thông minh có khả năng hỗ trợ hữu hiệu người làm công (sẽ đưa ra tiêu chuẩn vào năm 2019). Thúc đẩy việc ứng dụng các cảm biến để quá trình bảo dưỡng, bảo hành, phục vụ các hoạt động sản xuất, chế tác đạt hiệu quả cao.
-
Đối với các phương tiện vận tải, quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về các phương tiện thông minh, nhất là ô tô tự hành, tàu thủy tự hành và thiết bị bay không người lái. Thiết lập lộ trình 10 năm (2018-2027) đổi mới công nghệ trong lĩnh vực thiết bị không người lái để có thể vận hành ở cả trên mặt đất, trên không và dưới biển. Vượt qua độ trễ về công nghệ (đang ở mức 3,9 năm trong lĩnh vực tiến bộ công nghệ ô tô không người lái) và sớm bảo đảm đến năm 2020 sẽ thương mại hóa các loại xe bán tự động lưu thông trên đường cao tốc. Đến năm 2022 sẽ có
thiết bị tàu thủy không người lái vận hành được, nhằm giảm 10% chi phí vận tải biển, phát triển công nghệ định vị, dẫn đường thiết bị đường thủy không người lái, sửa đổi Luật An toàn hàng hải vào năm 2022. Thúc đẩy công nghệ sản xuất các thiết bị bay không người lái, đưa doanh thu từ việc bán các thiết bị không người lái thêm 20 lần (ở mức 70,4 tỷ Won năm 2016 lên 1,4 ngàn tỷ Won vào năm 2022), thiết lập các khu thử nghiệm thiết bị bay không người lái. Phát triển các loại máy bay không người lái (vào năm 2022).
-
Đối với lĩnh vực năng lượng, thông minh hóa hệ thống sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng, cải thiện các bản đồ về nguồn năng lực tái tạo, giảm tải việc phát thải khí nhà kính.
-
Đối với lĩnh vực tài chính và logistics, thúc đẩy nhanh việc sáng tạo và ứng dụng các công nghệ tài chính mới dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các công nghệ khác, cho phép thí điểm vận hành những công nghệ tài chính mới mà các quy định hiện hành chưa điều chỉnh trong một thời gian nhất định, nghiên cứu xây dựng Luật đặc biệt về hỗ trợ quá trình đổi mới công nghệ tài chính (bắt đầu từ năm 2018). Gấp đôi số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ fintech (từ mức 208 doanh nghiệp vào năm 2017 lên mức 400 doanh nghiệp vào năm 2022). Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ thông minh để giảm thời gian vận chuyển hàng hóa khoảng 33% vào năm 2022 so với thời điểm năm 2017, sửa đổi Luật khung về chính sách logistics (bắt đầu từ năm 2018). Hiện đại hóa các công nghệ lưu giữ, kiểm tra, thông quan hàng hóa bằng các loại cảng thông minh (dự kiến Cảng mới Busan sẽ vận hành theo tiêu chuẩn này). Giảm thời gian xử lý các tàu chở container (công – ten – nơ) quá khổ từ mức trung bình 40 giờ/1 tàu vào năm 2017 về còn 24 giờ/1 tàu (giảm 40%) vào năm 2022.
-
Lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, nâng cao độ chính xác và bảo đảm sự thân thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp thông qua việc ứng dụng tự động hóa dựa vào trí thông minh nhân tạo và việc khoa học hóa. Thiết lập các trang trại thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Thông minh hóa ngành ngư nghiệp. Gia tăng quá trình tự động hóa trong nông nghiệp (sử dụng các loại robot gieo hạt tự động và robot thu hoạch sản phẩm nông nghiệp tự động) và ngư nghiệp từ mức 58% hiện nay lên mức 75% vào năm 2022, kịp thời ứng phó các loại bệnh dịch trong nông nghiệp và ngư nghiệp. Nâng sản lượng các trang trại chăn nuôi và trang trại thủy sản tăng thêm 25% vào năm 2022 (so với mức hiện nay) (từ mức 1,84 triệu tấn hiện nay lên 2,3 triệu tấn vào năm 2022).
-
Đối với việc xây dựng thành phố thông minh: Thúc đẩy việc xây dựng các
thành phố thông minh đạt chuẩn thế giới bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cùng các công nghệ thông minh khác với sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thông minh hóa ngành xây dựng nhờ ứng dụng công nghệ thiết kế ảo 3D, sử dụng dữ liệu lướn và các công nghệ thực tại ảo, nhằm tăng năng suất lao động của ngành này lên khoảng 40% vào năm 2022 so với hiện nay. Nâng số địa phương tự quản áp dụng khung tiêu chuẩn thành phố thông minh từ mức 10 địa phương vào năm 2016 lên 80 vào năm 2022. Nâng số ngôi nhà và căn hộ được xếp vào dạng “nhà thông minh” từ mức 800.000 hiện nay lên 3 triệu vào năm 2022.
-
Đối với hệ thống giao thông: Thúc đẩy việc xây dựng hệ thống
đường giao thông thông minh, giảm số vụ tai nạn giao thông khoảng 5% (từ mức 220.917 vụ vào năm 2016 về mức 209.870 vụ vào năm 2022) và nâng cao chất lượng của hệ thống dẫn đường tự động, giảm thiệt hại do tắc nghẽn giao thông khoảng 10% vào năm 2022 (từ mức 30,3 ngàn tỷ Won
[1] vào năm 2016 xuống còn 27 ngàn tỷ Won vào năm 2022), tối ưu hóa hệ thống tín hiệu giao thông bằng việc ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (Internet of things), kịp thời phát hiện những tài xế có vấn đề về sức khỏe khi tham gia giao thông. Nâng số lượng đường giao thông được xếp vào dạng “đường giao thông thông minh” (smart roads) từ mức 0,2% vào năm 2017 lên mức 35% vào năm 2022.
-
Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội: Ứng dụng các thiết bị robot để trợ giúp người già và người khuyết tật sống, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe. Tiến hành các dự báo việc làm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đồng thời kịp thời thông tin về sự xuất hiện của các loại công việc mới. Thiết lập các chương trình đào tạo chủ chốt về các loại công nghệ chính của cách mạng công nghiệp 4.0 như Kết nối vạn vật (Internet of things), khoa học về robot. Tổ chức các khóa đào tạo nhằm giúp người lao động dịch chuyển dễ dàng hơn sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp thông minh. Khuyến khích 46000 chủ thể chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ thông minh (như phần mềm, trí thông minh nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng), nâng số đại học tập trung vào phần mềm từ mức 20 đại học vào năm 2017 lên 30 đại học vào năm 2019. Thiết lập một viện đào tạo riêng về nhân lực an ninh mạng. Có kế hoạch thu hút các tài năng của các quốc gia khác tham gia làm việc trong các lĩnh vực công nghệ thông minh mà Hàn Quốc thiếu nhân lực (như công nghệ trí thông minh nhân tạo, các nền tảng về kết nối vạn vật). Tái cấu trúc hệ thống giáo dục theo hướng thúc đẩy hình thành các cá nhân có năng lực và sáng tạo, sở hữu tài năng và khả năng mà xã hội trong tương lai cần đồng thời củng cố năng lực số của lực lượng giáo viên.
-
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường, giữ môi trường quốc gia trong sạch hơn, kiểm soát ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu bằng việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, dự báo và ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường và thiên tai (đặt hệ thống quan trắc thường trực dựa trên công nghệ kết nối vạn vật từ mức chỉ có 30 địa điểm vào năm 2017 lên mức 10.000 địa điểm vào năm 2022).
-
Đối với lĩnh vực an ninh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vạn vật kết nối và các công nghệ khác để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm, nhất là tội phạm ở những nơi công cộng, mở rộng hệ thống camera giám sát, ngăn chặn các website xấu độc. Thiết lập hệ thống phát hiện và xử lý các đe dọa tấn công mạng dựa trên trí thông minh nhân tạo (ví dụ: Trung tâm dữ liệu lớn về an ninh mạng đang vận hành) và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo vệ an ninh mạng. Thiết lập các quy tắc đạo đức cho người phát triển và sử dụng công nghệ thông minh để tránh tình trạng lạm dụng (dự kiến trong năm 2018).
Để làm các công việc trên, Hàn Quốc cũng quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái về cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại, theo đó, vào tháng 3/2019 tới đây, Hàn Quốc sẽ chính thức thương mại hóa và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ viễn thông 5G, thương mại hóa hệ thống kết nối tốc độ 10GB. Dự kiến vào năm 2022, khoảng trên 40 thành phố ở Hàn Quốc sẽ có hệ thống kết nối tốc độ 10GB. Thiết lập một hệ thống hỗ trợ dữ liệu lớn quốc gia dành cho từng ngành, lĩnh vực (y tế, giao thông v.v.) dựa trên các dữ liệu thật trải dài cả vòng đời của dữ liệu từ sản xuất và thu thập dữ liệu đến công bố, phân phối và sử dụng dữ liệu, thiết lập trung tâm dữ liệu lớn công, tạo lập không gian sử dụng dữ liệu cân bằng được giữa yêu cầu về an ninh, an toàn dữ liệu cá nhân và giá trị thương mại của dữ liệu cá nhân. Hàn Quốc cũng cho phép những nới lỏng trong điều chỉnh pháp luật bằng việc cho phép thí điểm những cơ chế mới. Cụ thể, đối với thiết bị tự hành, Luật giao thông sẽ phải căn chỉnh để ứng phó với sự tham gia giao thông của các thiết bị tự hành. Luật giao thông đường bộ còn cần phải căn chỉnh bằng việc cải thiện hệ thống bắt buộc phải lắp các tín hiệu giao thông thông minh. Đối với thiết bị bay không người lái, cần căn chỉnh pháp luật hiện hành để bảo đảm an toàn cho cộng đồng khi các thiết bị này được sử dụng vận hành vào ban đêm hoặc nằm ngoài tầm nhìn của người sử dụng. Luật về người đi biển và Luật an ninh hàng hải cũng sẽ sửa để dung hợp sự hiện diện của các tàu thủy tự hành. Luật sử dụng điện cũng được dự kiến được sửa vào năm 2019 nhằm duy trì thị trường cạnh tranh hơn và đưa hệ thống truyền tải điện năng thành hệ thống thông minh. Luật đặc biệt về hỗ trợ đổi mới tài chính cũng đang được cân nhắc ban hành. Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề pháp lý khác cũng đang được cân nhắc để sửa đổi, nhất là các quy định về an ninh, an toàn mạng, bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân đồng thời tìm cơ hội chia sẻ các dữ liệu cá nhân được các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong xã hội nắm giữ.
Có thể nói, Hàn Quốc đã có kế hoạch hành động khá bài bản để ứng phó với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cả ở phương diện đầu tư cho hệ thống hạ tầng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cấp công nghệ, chuẩn bị nguồn nhân lực, nâng cấp chính phủ điện tử (chính phủ số) và chuẩn bị những thay đổi về thể chế. Những việc mà Hàn Quốc đã làm rất đáng được tham khảo trong quá trình Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh chính sách, pháp luật để có chọn lựa đúng đắn nhất ở cả khu vực công và khu vực tư nhằm ứng phó với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1] Tương đương khoảng 610 ngàn tỷ đồng Việt Nam.