​100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa thu phí bằng phương thức điện tử

27/09/2018
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 (Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg).

 Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là: a) Tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. b) Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. c) Toàn bộ các cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. d) Cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, môi trường đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp, mức độ rủi ro của hàng hóa theo từng thời kỳ và phải dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể; trường hợp không thể ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có phương pháp kiểm tra công khai, minh bạch.

Kế hoạch đưa ra mục tiêu cụ thể là: a) Đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% tổng số các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. b) Tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 04 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa. c) Đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử. d) Các chứng từ điện tử (giấy phép điện tử, giấy chứng nhận điện tử và các giấy tờ điện tử tương đương) được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan. đ) Thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và các trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. e) Hoàn thiện về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. g) Năm 2018 và các năm tiếp theo, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu xuống dưới 10%. h) Năm 2019, trình Quốc hội Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. i) Năm 2019, tất cả các lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra.
Kế hoạch chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm như:  Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ;  Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (bao gồm: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics,...) liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo và đánh giá độc lập sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, Kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về các báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.