Án lệ - dấu ấn của cải cách tư pháp

22/06/2018
Nghiên cứu, phát triển án lệ được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng trong cải cách tư pháp. Án lệ đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong hệ thống tòa án. Việc nghiên cứu, viện dẫn án lệ góp phần giúp cho Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn trong công tác xét xử.

Bằng việc thông qua Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, Quốc hội đã chính thức giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử. Cụ thể, tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 quy định: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Tại khoản 5 Điều 27 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cũng quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Toà án nhân dân tối cao đó là: “Tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”. Việc áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án cũng đã được quy định trong các đạo luật về tư pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. Tại Điều 45 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao  công bố”.
Việc áp dụng án lệ sẽ góp phần khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp của vụ việc, nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất và cách vận dụng khác nhau. Bên cạnh đó, việc tham khảo án lệ sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm, giải quyết, xét xử những vụ án có cùng tính chất, hạn chế việc kết án oan, sai. Việc xây dựng và phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, góp phần duy trì ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Tòa án.
Để triển khai các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, ngày 19/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trong đó xác định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Nghị quyết cũng xác định cụ thể các tiêu chí của án lệ; quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử... Trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết nêu trên, Toà án nhân dân tối cao đã rà soát, lựa chọn các bản án, quyết định có nội dung đáp ứng được các tiêu chí của án lệ để dự kiến đưa vào làm nguồn để phát triển thành án lệ.
Trong thời gian qua, Toà án nhân dân tối cao đã lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mang tính chuẩn mực của các Toà án để tổng kết, phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Toà án áp dụng trong xét xử. Để bảo đảm chất lượng của các án lệ được ban hành, góp phần bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Toà án, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo bên cạnh việc làm tốt công tác rà soát, phát hiện, đề xuất nguồn phát triển án lệ, cần đánh giá thực tiễn áp dụng án lệ đã được công bố để kịp thời rút kinh nghiệm, nghiên cứu hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ.
Tính đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 16 án lệ. Các án lệ gồm các nội dung như tranh chấp tài sản, bất động sản, thừa kế, ly hôn, tín dụng, mua bán, giết người (Cụ thể: 01/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 về vụ án “Giết người”; 02/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 27/2010/DS-GĐT ngày 08-7-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản” tại tỉnh Sóc Trăng; 03/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 208/2013/DS-GĐT ngày 03-5-2013 của Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Ly hôn” tại Hà Nội; 04/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03-3-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại thành phố Hà Nội; 05/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 39/2014/DS-GĐT ngày 09-10-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” tại Thành phố Hồ Chí Minh; 06/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 100/2013/GĐT-DS ngày 12-8-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế” tại Hà Nội; 07/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23/9/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà” tại Hà Nội; 08/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16-5-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng”  tại thành phố Hà Nội; 09/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15-3-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” tại tỉnh Bắc Ninh; 10/2016/AL Quyết định giám đốc thẩm số 08/2014/HC-GĐT ngày 19-8-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hành chính “Khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” tại tỉnh Vĩnh Long; 11/2017/AL Quyết định giám đốc thẩm số 01/2017/KDTM-GĐT ngày 01-03-2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; 12/2017/AL Quyết định Giám đốc thẩm số 14/2017/KDTM-GĐT ngày 6-06-2017 về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” tại tỉnh Quảng Trị; 13/2017/AL Quyết định Giám đốc thẩm 17/2016/KDTM-GĐT ngày 10-11-2016 về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” tại Tp. Hồ Chí Minh; 14/2017/AL Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2011/DS-GĐT ngày 17-01-2011 về vụ án “Yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại tỉnh Điện Biên;  15/2017/AL Quyết định Giám đốc thẩm 394/2012/DS-GĐT ngày 23-8-2012 về vụ án “Tranh chấp hợp đồng đổi đất” tại Tp. Hà Nội; 16/2017/AL Quyết định giám đốc thẩm số 573/2013/DS-GĐT ngày 16-12-2013 về vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản.