Luật Điện ảnh (gồm 8 Chương, 55 Điều) và Luật Kinh doanh bất động sản (gồm 6 Chương, 81 Điều) đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động này tại Việt Nam.
Sáng nay (21/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, nghe các Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và một số Điều còn có ý kiến khác nhau đã được điều chỉnh lại của dự thảo Luật Điện ảnh và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản; biểu quyết thông qua một số Điều và thông qua toàn bộ hai dự thảo Luật này.
Trước khi thông qua một số nội dung của dự thảo Luật Điện ảnh, Quốc hội đã nghe bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đọc Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh.
Dự thảo Luật Điện ảnh đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp trong ngày làm việc 23/5/2006. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia một số ý kiến cụ thể về các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh; những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; cơ sở điện ảnh; sản xuất phim truyền hình; thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim; thành lập hội đồng thẩm định phim... Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu chỉnh lý các nội dung này.
Dự thảo Luật Điện ảnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 55 Điều, quy định về tổ chức và hoạt động điện ảnh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số điều và toàn bộ dự thảo Luật Điện ảnh với đa số phiếu tán thành. Đáng chú ý, Luật Điện ảnh trao quyền cho Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Giám đốc các Đài Phát thành-Truyền hình cấp tỉnh được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định việc phát sóng trên Đài Truyền hình của mình phim do mình sản xuất hoặc nhập khẩu; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được thành lập các hội đồng thẩm định phim cấp tỉnh; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và Giám đốc các đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh được thành lập các hội đồng thẩm định phim cấp trực thuộc do mình quản lý.
Quốc hội cũng đã nghe ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản. Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến trong ngày làm việc 20/5/2006. Đa số các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí với những nội dung cơ bản của Báo cáo giải trình và dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung như: về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; giao dịch bất động sản; các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bất động sản... Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu chỉnh lý các nội dung này.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sau khi được tiếp thu chỉnh lý trình Quốc hội thông qua gồm 6 Chương, 81 Điều, quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản và giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, Luật Kinh doanh bất động sản cho phép tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 của Luật làm trung gian trong việc đàm phán, ký hợp đồng kinh doanh bất động sản và được hưởng thù lao, hoa hồng theo hợp đồng môi giới bất động sản; đưa nhà, công trình xây dựng trong tương lai vào kinh doanh bất động sản; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo cấp chứng chỉ môi giới bất động sản và chứng chỉ định giá bất động sản.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số điều và toàn bộ dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản với đa số phiếu tán thành.
Luật Điện ảnh và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động này tại Việt Nam./.
(Theo website Đảng cộng sản)