Sáng nay (19-6), QH làm việc tại hội trường, nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT); đồng thời các đại biểu cũng đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trên.
Về tên gọi của Luật, nhiều ý kiến nhất trí với tên gọi của Luật là "Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật", đồng thời đề nghị thay đổi cụm từ "tiêu chuẩn hóa" để đảm bảo thống nhất với tên Luật. Cũng có ý kiến đề nghị gọi tên Luật là "Luật Tiêu chuẩn hóa". Về giải thích từ ngữ, có ý kiến đề nghị gọi "tiêu chuẩn" là "tiêu chuẩn kỹ thuật" để phân biệt với các tiêu chuẩn trong lĩnh vực xã hội như tiêu chuẩn cán bộ, đạo đức... Cũng có ý kiến đề nghị sử dụng cụm từ "quy phạm kỹ thuật" thay cho "quy chuẩn kỹ thuật" với lý do cụm từ này đã được dùng phổ biến trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
“Văn phong của Luật còn "tây" quá, chưa phù hợp với văn phong của người Việt”. (ĐB Nguyễn Ngọc Trân, An Giang). |
Khi đóng góp về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Phạm Chuyên (đoàn Hà Nội) cho rằng, có một số cụm từ đưa vào dự thảo Luật không chính xác, thậm chí không bảo đảm được sự trong sáng cho tiếng Việt (ví dụ: Luật nói đến hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, vậy chủ thể hoạt động ở đây là gì?; hoặc đưa ra khái niệm "tiêu chuẩn" đồng nhất với khái niệm "chỉ tiêu" là không thật rõ, bởi đã nói đến tiêu chuẩn là nói đến chất lượng chứ không dính líu gì đến chỉ tiêu cả...).
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Nông) có đề nghị: dự thảo Luật phải rất rành mạch và chính xác, trong khi Luật đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các hội chuyên ngành là không rõ. Ông cũng đồng ý với việc trong Luật còn có nhiều câu tối nghĩa. Mặt khác, hoạt động dịch vụ được đề cập trong Luật đến mức độ nào cũng cần làm rõ.
Về các vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng tính chính xác của khái niệm cần được đặt lên hàng đầu trong dự thảo Luật: đặt ra tiêu chuẩn, hay hoạt động tiêu chuẩn, hay giám sát tiêu chuẩn? Dự thảo Luật cũng đề cập việc tiêu chuẩn kỹ thuật khác với tiêu chuẩn xã hội, nên dùng ở đây các khái niệm quy phạm, quy chuẩn liệu đã chính xác?
Ông cho rằng, luật mới đề cập đến việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật mà chưa đề cập đến việc ban hành các tiêu chuẩn đó. Cũng như vậy, hợp quy và hợp chuẩn liệu có giống nhau và khác nhau ở chỗ nào? tại sao ta không dùng cụ thể là hợp quy chuẩn? Bởi đây là dự thảo Luật nói về tiêu chuẩn kỹ thuật nên cần có sự chính xác lớn, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật (Điều 27), có ý kiến đề nghị giao trách nhiệm thẩm định này cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách lĩnh vực tương ứng. Lại có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật mang tính liên ngành và quy chuẩn kỹ thuật thuộc lĩnh vực do cơ quan thuộc chính phủ quản lý. Về vấn đề này đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) đề nghị, trong dự thảo Luật nên bỏ cụm từ cấp có thẩm quyền bằng cụm từ cơ quan có thẩm quyền mới chính xác. Về việc bộ và cơ quan ngang bộ có thẩm quyền được lập và phê duyệt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ông đề nghị thẩm quyền này nên chuyển thành được quyết định phê duyệt...
Chiều nay, QH nghe và thảo luận tại hội trường về báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý.
(Theo Hà nội mới)