Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi): Cần quy định “cứng” về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí

22/03/2016
Chiều ngày (21/3), thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu có quy định “cứng” về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay trong dự thảo Luật, không “nhờ” Chính phủ nữa.
Yêu cầu xử hành vi “né” cung cấp thông tin cho báo chí
Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Đào Trọng Thi cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về chế độ cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại Luật, không để Chính phủ quy định. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí gồm nhiều nội dung như: người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn, hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, trong trường hợp đột xuất, bất thường nên luật chỉ quy định nguyên tắc, còn những nội dung cụ thể nên quy định ở văn bản hướng dẫn để có thể linh hoạt điều chỉnh.
Từ thực tiễn dù đã có quy chế về người phát ngôn nhưng quyền tiếp cận thông tin của báo chí đối với thông tin của các cơ quan nhà nước thường khó khăn. Các hành vi phổ biến là chậm, “né” cung cấp thông tin, đòi hỏi nhà báo xuất trình giấy tờ quá quy định khi có yêu cầu tiếp cận thông tin… Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) đề nghị cần quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí ngay trong Luật để tạo điều kiện cho báo chí thông tin kịp thời, chính xác, góp phần định hướng dư luận. Chỉ ra thực tế, hiện các cơ quan báo chí còn bị phân biệt trong việc cung cấp thông tin, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị cần có quy  định cấm phân biệt đối xử để các cơ quan báo chí, nhà báo được tiếp cận thông tin như nhau. Ngoài ra, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy còn cho rằng, cần bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan chức năng trả lời trên báo chí để tránh tình trạng vụ việc được báo chí phản án nhưng không được trả lời nên “rơi vào im lặng”.
Bảo vệ nguồn tin của nhà báo
Quan tâm đến sự an toàn của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) thấy cần có quy định về việc xử lý hình sự đối với các hành vi hành hung nhà báo tác nghiệp. “Thời gian qua, ngày càng nhiều vụ việc hành hung nhà báo nhưng do quy định về vấn đề xử lý còn chung chung nên chưa góp phần bảo vệ nhà báo trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình” – ĐB Huỳnh Văn Tính nêu. Đồng tình ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng đề nghị phải có một chương riêng trong dự thảo Luật quy định về bảo vệ nhà báo vì đây là một nghề đặc thù, có nhiều nguy hiểm.
Quá trình thảo luận về dự Luật này, một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến; quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do vậy, dự thảo Luật quy định, “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp. Theo đó, dự thảo quy định Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin.
Huy Anh