Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ

09/04/2015
Sáng nay (9/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

UBTVQH đề nghị chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng không tách các quy định về mối quan hệ công tác của Chính phủ với các thiết chế khác thành một chương riêng mà chuyển các nội dung này vào các điều, khoản tương ứng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cách quy định trong các đạo luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Luật tiếp tục cụ thể hóa các thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, vừa xác định rõ hơn mối quan hệ và trách nhiệm giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về hành chính, hành pháp và chấp hành...

UBTVHQ đề nghị không quy định cứng số lượng, tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong dự thảo Luật để tạo điều kiện chủ động hơn trong việc quy định cơ cấu của Chính phủ nhằm bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn yêu cầu từng thời kỳ phát triển của đất nước. “Hiện nay, vào đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa QH, QH quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cho nhiệm kỳ đó và cơ bản vẫn thực hiện tốt và phù hợp, không có vướng mắc, bất cập” – UBTVQH nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước còn băn khoăn khi dự thảo Luật chưa thể hiện rõ mối quan hệ giữa QH với Chính phủ, các cơ quan tư pháp, nhất là trong việc Chính phủ thực hiện quyền giám sát đối với cơ quan lập pháp và tư pháp. Vì vậy, ông Ksor Phước đề nghị, cần phải làm rõ cơ chế giám sát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong luật này.

Theo một số ý kiến, “vai trò của Bộ trưởng chưa toát lên được” qua các dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong khi để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, vai trò của Bộ trưởng phải rõ ràng không ai can thiệp được vào việc thực hiện thẩm quyền của Bộ trưởng và Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Nhận định chung cho rằng, dự thảo luật chưa khắc phục được tình trạng “trách nhiệm chung” của các Bộ trưởng trong cùng một vấn đề, không rõ ràng trách nhiệm của Bộ trưởng khi quyết định các vấn đề trong lĩnh vực được phân công quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lo ngại qui định khống chế chỉ có “5 thứ trưởng” thì cũng “căng thẳng”, khó cho các Bộ vì các Bộ quản lý đa ngành.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại đề nghị, Bộ không quá 5 Thứ trưởng, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, là không quá 6. Cấp Tổng cục 3 thì hơi ít, theo tôi không quá 4 cấp phó. Cấp Cục không quá 3 cấp phó, cấp Vụ không quá 2 cấp phó. Phải ghi chữ “không quá”, dưới phải có thêm một khoản là Chính phủ quy định cụ thể số lượng này.

Đồng tình, UBTVQH đề nghị cân nhắc một số trường hợp “vượt quá 5 phó” thì phải báo cáo UBTVQH đồng ý số lượng, còn quyết định như thế nào thì do Chính phủ quyết định chọn để tạo sự linh hoạt trong thực tiễn điều hành của Chính phủ…

H.Giang