Giao cho công an xã điều tra: Cải thiện “đầu vào” để không làm “nát” vụ việc

02/04/2015
Tại phiên thẩm tra Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật tạm giữ, tạm giam (TGTG) hôm qua (2/4), nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn về một số qui định có thể vẫn để “cửa” cho oan, sai và bức cung, dùng nhục hình trong giai đoạn điều tra.

Đánh gãy xương sườn rồi lập biên bản “tự ngã”

Trong Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, ngoài trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Bộ Công an đề xuất giao cho công an xã thẩm quyền lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai, Công an phường, thị trấn, đồn Công an tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ trước khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Song đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) lo lắng nhất việc, giao cho Công an xã thẩm quyền như dự thảo luật thì “có thể làm “nát” tình tiết vụ việc, không khắc phục được dẫn đến oan sai” nên chỉ giao cho thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác ban đầu rồi chuyển cơ quan điều tra chuyên trách là phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện hoạt động của đội ngũ này.  

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cân nhắc qui định giao cho Công an xã thực hiện một số hoạt động điều tra như dự thảo Luật vì thực tế cho thấy việc công an xã thực hiện hoạt động này có nhiều sai sót như vụ công an xã dùng dùi cui đánh gãy xương sườn của người bị bắt, tỷ lệ thương tật 16% rồi lập biên bản, thậm chí yêu cầu vợ nạn nhân xác nhận là “tự ngã”.

Còn đại biểu Phạm Xuân Thường (tỉnh Thái Bình) đề nghị, “đừng vì một số vụ công an xã có sai sót mà không giao cho công an xã thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu”. Vì đa số các vụ việc xảy ra ở cấp xã và do công an xã tiếp cận đầu tiên và thực tế công an xã cũng đã xử lý nhiều vụ việc rất tốt, giúp cho việc điều tra, giải quyết vụ án của cơ quan điều tra chuyên trách.

 Để tránh những sai sót có thể dẫn đến oan, sai, theo ông, “vấn đề là giao đến đâu, như thế nào” để có chứng cứ ban đầu chuẩn xác hơn cho việc giải quyết vụ việc. Theo Bà Lê Thị Nga, trong trường hợp giao thẩm quyền mang tính chất điều tra, thì lực lượng phải được đào tạo về chuyên môn, “đầu vào” của  công an xã phải khác, không thể là bán chuyên trách, chứ như hiện nay khó bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Người quản lý cơ sở giam giữ có trách nhiệm chống bức cung, nhục hình

Mối quan tâm lớn nhất đối với dự thảo Luật TGTG là chống được sự bức cung, dùng nhục hình. Ủy ban Tư pháp cho rằng, vấn đề bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra đối với người bị TGTG. Mặc dù không phải do người quản lý cơ sở TGTG gây ra nhưng xảy ra tại trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Để đảm bảo chống bức cung, dùng nhục hình, Ủy ban đề nghị qui định trong dự thảo luật về việc thiết kế các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý TGTG, việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai, việc kiểm tra sức khỏe của người bị TGTG trước và sau trích xuất… để có căn cứ cho các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện

Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số ủy viên, dự thảo chưa qui định trách nhiệm của người quản lý cơ sở giam giữ trong việc chống bức cung, nhục hình. “Thời gian qua, có những vụ bức cung, nhục hình nghiêm trọng nhưng không xác định được trách nhiệm người quản lý cơ sở giam giữ” – ông Phạm Xuân Thường phản ánh.

Nên nhiều ý kiến thẩm tra đề nghị qui định rõ cả quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị TGTG nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị TGTG không bị xâm phạm. Cùng mối quan tâm, Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị dự thảo chú ý mối quan hệ giữa điều tra viên và người bị TGTG để chống bức cung, nhục hình.

Ngòai ra, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, người bị TGTG chưa bị coi là có tội nên ngoài việc bị hạn chế một số quyền thì họ vẫn được đảm bảo các quyền khác. Tuy nhiên trong dự thảo qui định theo hướng vừa cho phép thực hiện quyền và vừa hạn chế một số quyền của người bị TGTG dễ dẫn đến bỏ sót các quyền mà Hiến pháp và pháp luật đã qui định cũng như gây khó khăn cho quá trình thưc biện nếu luật khác có sửa đổi, bổ sung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Dó đó, “dự thảo luật nên qui định hạn chế một số quyền của người bị TGTG, còn quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được đảm bảo theo qui định. Đồng thời rà soát các qui định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân thì phải được qui định trong luật mà không giao cho Chính phủ, bộ, ngành qui định” - Uỷ ban Tư pháp đề nghị.

Hơn nữa, phải qui định cụ thể các mức chế độ khác nhau cho các đối tượng bị TGTG vì địa vị pháp lý của người bị TGTG có sự khác biệt với nhau và khác với địa vị pháp lý của người bị chấp hành án phạt tù nhưng hiện đang thực hiện cả việc TGTG và chấp hành án phạt tù cùng trong nhà tạm giữ, trại tạm giam./.

Huy Anh

 

“Việc qui định cho phép áp dụng biện pháp kỷ luật cùm chân đối với người vi phạm nội qui của cơ sở giam, giữ là chưa phù hợp, có thể dẫn đến vi phạm quyền con người vì họ chưa phải người có tội. Theo quan điểm của Ủy ban Tư pháp, chỉ nên áp dụng biện pháp cách ly ở buồng giam kỷ luật, không cho tiếp xúc với người bị TGTG khác là phù hợp” - ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết./.