Càng không làm, càng lãng phí
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 896 - cho biết, năm 2014 các cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp số định danh cá nhân tiếp tục được hoàn thiện. Việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch được coi là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai Đề án 896. Tuy nhiên, ông Tụng cho biết việc phê duyệt dự án khả thi về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì đến nay chưa được triển khai do chưa tìm được nguồn vốn bảo đảm cho việc xây dựng.
Báo cáo về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), cho biết Bộ Công an đã chuẩn bị xong hết các đề án và chỉ chờ nguồn kinh phí “rót” về để thực hiện đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Theo ông Vệ số tiền ước tính để thực hiện đề án này vào khoảng 3.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tỏ ra băn khoăn với đề án do Bộ Công an xây dựng và cho rằng không nên xây dựng đề án với quy định sẽ trang bị cho 11.000 xã trên cả nước là 11.000 chiếc máy, tương ứng sau đó là số huyện, số tỉnh và một máy chủ trung tâm bởi công nghệ thông tin hiện đã rất hiện đại rồi. “Chúng tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó ít nhất là 3 doanh nghiệp lớn sẵn sàng, đều đặt vấn đề về việc này” hứ trưởng Đông cho biết.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh khẳng định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò cực kỳ quan trọng, không thể không làm và càng không làm thì lãng phí xã hội sẽ càng lớn. “Bảo hiểm xã hội đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số rồi, 30% dân số còn lại nếu không quản lý nữa thì dữ liệu cứ lặp đi lặp lại suốt ở các đơn vị. Mỗi năm có 1 triệu trẻ em sinh ra, ví dụ thế thôi, cơ quan bảo hiểm mất 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có mã số định danh cá nhân thì tôi lấy cái số đó để cấp luôn. Bảo hiểm xã hội đang quản lý thông tin lớn như vậy, kinh phí quản lý xã hội cực kỳ lớn, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư càng nhanh càng tốt. Tôi đồng tình ủng hộ việc thuê công nghệ thông tin. Nếu triển khai được thì chúng tôi làm ngay lập tức. Hiện nay nhập dữ liệu vào mất 10.000 đồng/tờ khai, 30 triệu người phải cấp thì mất thêm chi phí xã hội khoảng 300 tỷ đồng nữa, lãng phí xã hội cực lớn. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ triển khai quyết liệt việc này” - ông Sinh phân tích.
Đang có sự chồng lấn
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc thực hiện thành công Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân sẽ quyết định thành công của Đề án 896. “Điều đó đặt ra cho chúng ta một cơ hội rất lớn, mà các đồng chí nói là sự cần thiết, cấp bách, tầm quan trọng ở cấp độ cao. Riêng Luật Hộ tịch đã có kế hoạch triển khai thực hiện, đã trao đổi với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành rồi, rất toàn diện. Luật Căn cước công dân thì Bộ Công an báo cáo Chính phủ về thực hiện. Ngày 21/1 vừa rồi Thủ tướng cũng đã ký quyết định phân công các đơn vị thực hiện, trong đó Thủ tướng cũng đã xác định thời gian để Bộ Công an trình nghị định rồi. Dự kiến tháng 10/2015 sẽ phải trình nghị định cho Chính phủ, nếu làm càng sớm được càng tốt, nếu không tới 1/1/2016 chưa có nghị định này thì rất khó cho việc triển khai Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch” – Bộ trưởng Cường chia sẻ và mong muốn: “Chậm nhất là tháng 3/2015 phải trình dự án tiền khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới kịp triển khai thực hiện”
Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho biết hiện nay phát sinh tình huống cần phải xin ý kiến. Đó là cơ sở dữ liệu thống kê về dân số mới được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, đang trong giai đoạn “bắt tay vào xây dựng” nên phải xem chồng lấn hay không chồng lấn, lãng phí hay không. “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã cưỡi lên hổ rồi nên chúng ta không thể dừng lại hay không dừng lại được nữa. Còn vấn đề kia thì tính toán tiếp sau” – Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 biểu dương, trong năm 2014, Văn phòng BCĐ và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện. Hoạt động triển khai Đề án 896 đã đạt được một số kết quả nhất định như góp phần giúp Chính phủ hoàn thiện Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân và đã hệ thống hóa được trên 2.700 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đánh giá cũng cho thấy nhiều nội dung công việc đã được triển khai mà kết quả đạt được chưa cao, vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa bảo đảm được tiến độ đề ra.
Theo Phó Thủ tướng, những hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân nổi bật, gây khó khăn, hạn chế cho nhiều nhiệm vụ khác, đó là đến giờ vẫn chưa giải quyết được vấn đề về nguồn vốn để phê duyệt Dự án khả thi CSDLQG về dân cư. Vì vậy, đề nghị đầu tiên của Phó Thủ tướng là trong năm 2015 phải tìm cách tháo gỡ nguồn vốn xây dựng CSDLQG về dân cư, không để tiếp tục chậm trễ hơn nữa. “Nếu xã hội hóa, thuê ngoài dịch vụ trên tinh thần vẫn đảm bảo an ninh thì rất hoan nghênh” – Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm.
Đối với việc tổ chức thu thập thông tin cho CSDLQG về dân cư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc thu thập phải tận dụng tối đa các nguồn thông tin quản lý sẵn có đã được lưu trữ, thông qua tàng thư căn cước công dân, qua hệ thống thông tin lưu trữ về hộ tịch, về bảo hiểm xã hội, về đất đai, dân số…, hạn chế tối đa việc làm phiền nhân dân trong quá trình thực hiện. Về số định danh cá nhân đang được dự kiến sẽ sử dụng hệ thống 12 số của chứng minh nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế về quy định cấu trúc số định danh cá nhân, phải bảo đảm sao cho khi cấp không xảy ra hiện tượng trùng số, tràn số hay sử dụng gian lận số định danh cá nhân.
Cẩm Vân