Chuyên gia Pháp góp ý cho Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

28/01/2015
Bộ Tư pháp vừa tổ chức tọa đàm 3 ngày từ ngày 26 – 28/1 về Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với sự tham gia góp ý, bình luận của các chuyên gia Cộng hòa Pháp. Các chuyên gia Pháp đánh giá cao việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Dân sự (BLDS) lần này và đưa ra nhiều ý kiến xác đáng để Việt Nam nghiên cứu, tham khảo nhất là về quy định đối với quyền nhân thân.

Được từ chối đăng ký nếu đặt tên kỳ cục

Triển khai thi hành Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Dự thảo Bộ luật bên cạnh kế thừa có phát triển các quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật hiện hành, đã bổ sung một số quyền nhân thân mới như trường hợp hai cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận; cá nhân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền lập hội, việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Không những thế, để bảo đảm tính ổn định, bao quát trong quy định về quyền nhân thân, Dự thảo Bộ luật cũng đã bổ sung nguyên tắc: Ngoài các quyền nhân thân được quy định tại mục này, các quyền con người, quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Về quy định trên, hiện có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật, theo đó, BLDS cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Loại ý kiến thứ 2 đề nghị BLDS không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp như quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử…

Góp ý chung đối với các quy định về quyền nhân thân, GS Michel Grimaldi (Đại học Paris II, Cộng hòa) chia sẻ kinh nghiệm, không nên gắn quyền nhân thân với quyền về tinh thần hay quyền công dân. Chẳng hạn, quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng trong Dự thảo Bộ luật của Việt Nam giống với quy định về tự do bày tỏ ý kiến trong BLDS của Pháp nên thuộc phạm vi quyền công dân hơn là quyền nhân thân, hay trong BLDS của Pháp không có quy định về quyền xác định lại dân tộc. Trong các quyền nhân thân, GS người Pháp dành nhiều sự quan tâm với quy định về quyền có họ, tên. GS Michel cho biết, ở Pháp nếu cha, mẹ đặt tên cho con quá dài hoặc quá kỳ cục (như đặt tên “Jean He’mare”, dịch ra tiếng Việt là “Chán lắm rồi”), nhân viên hộ tịch có quyền từ chối đăng ký vì lý do rằng những tên đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ. Khi bị từ chối, cha, mẹ có quyền khởi kiện và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng.

Có thể phân 3 mức độ về xác định lại giới tính

Đặc biệt, Dự thảo Bộ luật sửa đổi quyền xác định lại giới tính theo hướng việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật, cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định, người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. Đối với việc chuyển giới, Dự thảo Bộ luật quy định hai phương án: phương án 1 là Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới, còn phương án 2 là trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Tuy nhiên, GS Michel băn khoăn với quy định của Dự thảo Bộ luật khi cho phép cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định nhưng lại có phương án 1 về chuyển giới, bởi nếu cho phép xác định lại giới tính đương nhiên phải bỏ phương án 1. Theo quy định pháp luật của Pháp, chuyển giới được coi là biện pháp can thiệp để chữa trị; chuyển giới (hình dạng là nam, tâm lý và tình cảm là nữ) khác với đổi giới (nam chuyển sang nữ vì mục đích khác) và việc đổi giới là trái quy định của pháp luật. “Nếu bổ sung thêm quy định cho phép chuyển giới do khiếm khuyết về tâm, sinh lý thì phương án 2 sẽ tốt hơn phương án 1” – GS Michel đề xuất.

Còn PGS.TS. Đỗ Văn Đại phân tích, những người cần xác định lại giới tính có thể thuộc 3 trường hợp gồm những người có khiếm khuyết về thể chất (sinh ra không rõ giới tính nào), những người có khiếm khuyết về tinh thần (hình dạng là nam nhưng tâm lý, tình cảm thì là nữ và ngược lại) và những người không có bất kỳ khiếm khuyết nào. Vì thế, theo ông Đại, cần phân thành ba mức độ khác nhau để có những quy định về quyền xác định lại giới tính, chuyển giới cho phù hợp.

Linh hoạt về giám hộ, hạn chế tẩu tán tài sản chung của vợ chồng

Để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế, thay vì quy định về người giám hộ đương nhiên như trong Bộ luật hiện hành, Dự thảo Bộ luật quy định theo nguyên tắc xác định người giám hộ theo ý chí của người cần được giám hộ trong trường hợp họ là người thành niên cử người giám hộ cho mình trước khi lâm vào tình trạng cần được giám hộ với hai điều kiện là việc cử giám hộ này phải được lập thành văn bản có công chứng và người được cử đồng ý làm người giám hộ; xác định người giám hộ theo sự thỏa thuận của người thân thích của người cần được giám hộ (người thân thích theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời); trường hợp người thân thích không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ.

Về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, Dự thảo Bộ luật quy định, người giám hộ thực hiện và tạo điều kiện để người khác (người thân thích của người được giám hộ hoặc của cá nhân, tổ chức khác) quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ; yêu cầu người thân thích của người được giám hộ thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích của người được giám hộ và yêu cầu các chủ thể khác tôn trọng, tạo điều kiện để mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người giám hộ… Đặc biệt, Dự thảo Bộ luật đã quy định tách biệt và cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, trong đó trong trường hợp người được giám hộ còn người thân thích thì những người thân thích phải thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ người được giám hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Người giám hộ phải tạo điều kiện để người khác nói chung, người thân thích của người cần được giám hộ nói riêng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người được giám hộ.

Nêu vấn đề tại sao lần sửa đổi này Việt Nam không áp dụng chế định đồng giám hộ trong khi đây là chế định có nhiều lợi ích, GS người Pháp Michel cho rằng, việc chỉ có một người giám hộ mà Việt Nam đang đi theo sẽ có phần cứng nhắc. PGS.TS Đỗ Văn Đại cũng cho biết, hiện có nhiều nước áp dụng chế định đồng giám hộ, nhất là các nước theo hệ thống luật Anh - Mỹ.

Cụ thể hơn, GS Michel chia sẻ, ở Pháp, người chưa thành niên có thể có 2 người giám hộ, 1 người giám hộ về nhân thân, 1 người giám hộ về tài sản (người giám hộ về tài sản phải là người có kinh nghiệm hoặc hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài sản). Thậm chí, từ năm 2007, Pháp quy định nhiều người giám hộ khác nhau để quản lý tài sản về động sản, bất động sản, về tài sản ở Pháp, tài sản ở nước ngoài. Đồng thời phân biệt chế độ quyết định độc lập và chế độ đồng quyết định (chủ yếu áp dụng với người cần được giám hộ là người khuyết tật; trong chế độ đồng quyết định sẽ phân công phạm vi giám hộ của từng người đến đâu, nếu bất đồng ý kiến thì theo sự phân công hoặc cuối cùng là do Tòa án phán quyết.

Về người giám hộ, với trường hợp người bị mất năng lực hành vi, phần lớn sẽ do Thẩm phán chỉ định người giám hộ, còn trước khi mất năng lực thì do chính họ chỉ định; người chưa thành niên thì do bố, mẹ còn sống hoặc đã mất đi để lại di chúc chỉ định, ra Tòa có thể bác nhưng tình huống này ít xảy ra. Đối với trường hợp người chồng có sự trục lợi về tài sản chung của vợ chồng mà thực tiễn Việt Nam đã xảy ra, Pháp có quy định bảo vệ rõ ràng nhờ chế định người giám sát giám hộ và người tư vấn về hôn nhân - gia đình, cao nhất là sự can thiệp của Thẩm phán. Đây là những kinh nghiệm quý cho Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện chế định giám hộ của Dự thảo Bộ luật.

                                                       Cẩm Vân