Kỳ vọng vào sức bật Tư pháp năm 2015

06/01/2015
Thông tin lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam thắng kiện trong 2 vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế đã làm nức lòng những người quan tâm đến công tác tư pháp. Còn nhớ vào thời điểm tháng 1/2014, khi Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong tất cả các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế và là cơ quan chủ trì giải quyết tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ theo các điều ước quốc tế về đầu tư, không ít người tỏ rõ sự lo lắng vì đây là là một nhiệm vụ mới rất khó khăn. Nhưng với “Chiến thắng trận đầu” này đã ghi danh vào những điểm nhấn quan trọng Bộ, của Ngành trong một năm công tác, tiếp thêm kỳ vọng về “sức bật” cho mọi mặt công tác của Ngành trong năm mới 2015.

Thành quả từ những nỗ lực không ngừng

Năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, bản Hiến pháp của thời kỳ phát triển mới của đất nước, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ Hiến pháp. Theo số liệu thống kê, toàn ngành đã tích cực, nỗ lực tuyên truyền nội dung và tinh thần của Hiến pháp; rà soát được tổng số 102.306 văn bản QPPL để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với nội dung của Hiến pháp. Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo nội dung và tinh thần của Hiến pháp; trực tiếp chủ trì soạn thảo các dự luật rường cột như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật; xây dựng, tham gia xây dựng các dự án luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước và các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.

Năm 2014 cũng là năm đột phá về thể chế của công tác hộ tịch, nền tảng phục vụ Nhân dân  khi Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của người dân và các cơ quan, tổ chức. Đây là lần đầu nước ta có một văn bản luật điều chỉnh công tác hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngành Tư pháp tiếp tục chuẩn hóa, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch, khẳng định mạnh mẽ vai trò của công tác này trong hoạt động tư pháp.

Một tin vui nữa đến với ngành Tư pháp là Bộ được xếp thứ 2/21 các Bộ, cơ quan ngang Bộ về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh và Bộ Tư pháp tiếp tục đứng ở nhóm dẫn đầu các Bộ, ngành trong Bảng xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động công chứng, ngày 20/6/2014, Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Theo đó, công chứng viên được coi là “công lại”, cung cấp dịch vụ công do nhà nước ủy nhiệm. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, hoạt động ổn định, bền vững, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng thông qua chuyển đổi các Phòng công chứng thành các Văn phòng công chứng, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong công tác thi hành án dân sự, chế định Thừa phát lại được đẩy mạnh thực hiện thí điểm tại 13 địa phương, tạo ra hiệu ứng rất tích cực trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực lập vi bằng, được người dân, xã hội đánh giá cao. Nhiều vi bằng đã được sử dụng để làm căn cứ trong xét xử và thực hiện các giao dịch, kể cả trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Năm 2014 cũng là năm ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, coi đây là khâu đột phá, đặc biệt trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân sinh. Nổi bật là việc Chính phủ đã chấp thuận đề xuất của Bộ Tư pháp, ban hành "Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi", tạo bước đột phá quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Một điểm nhấn quan trọng không kém trong những thành quả của công tác tư pháp năm 2014 là tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được cải thiện tốt nhất. Theo đó, xác định nhiệm vụ ban hành văn bản quy định chi tiết là tiền đề để đưa các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Qua đó đã góp phần đưa tỷ lệ nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2014 thấp nhất từ trước đến nay (18,18%, tính đến ngày 15/10/2014), tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ, thực thi đúng các quy định của pháp luật.

Năm 2014 còn là năm diễn ra Hội nghị công tác pháp chế đầu tiên, khẳng định và nâng tầm vai trò của toàn hệ thống pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc vào cuộc cùng với Bộ, Ngành Tư pháp để tham mưu cho Lãnh đạo các Bộ, ngành trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là các luật triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Mong chờ sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành

Bước sang năm 2015, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của ngành Tư pháp, nhiều nhiệm vụ quan trọng đang chờ đón sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành trong một năm mới.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra, yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành Tư pháp chung tay thực hiện hiệu quả chính là việc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp và tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đồng thời, tham gia tích cực vào việc đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tích cực tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Năm 2015 cũng là năm ngành Tư pháp tập trung hoàn thiện các dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật; xây dựng các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành quyết định hành chính, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đấu giá tài sản, Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua.

Toàn Ngành cũng sẽ phải tập trung hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Luật Giám định tư pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, đảm bảo thực thi có hiệu quả các Luật này trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; kịp thời rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng rút ngắn thời hạn, đơn giản thủ tục lập hồ sơ; tập trung theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật liên quan đến các biện pháp xử lý hành chính. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, kinh doanh trái phép.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là chuẩn bị tốt các điều kiện để thi hành kịp thời, hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu do Quốc hội giao, đẩy mạnh việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm thực hiện thí điểm thành công.

Tiếp tục củng cố nền móng đã được xây dựng từ những năm trước, năm 2015 này ngành Tư pháp cũng có nhiệm vụ  chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Hộ tịch, Luật Công chứng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng ngân hàng, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, nông nghiệp nông thôn, giao thông vận tải, công chức công vụ. Triển khai thực hiện tốt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất và thuế.

Đặc biệt, từ tín hiệu vui của năm 2014, trong năm 2015 này, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của Bộ Tư pháp liên quan tới việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; thực hiện mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015; đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia bằng các biện pháp phù hợp và tuân thủ pháp luật quốc tế.

Rất nhiều nhiệm vụ quan trọng sẽ được ngành Tư pháp triển khai trong năm 2015 để chào mừng sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2014) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV. Tin rằng, động lực này sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ cho các hoạt động công tác của ngành Tư pháp năm 2015.

Quang Minh