Xây dựng dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam: “Công cụ” mạnh bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam

05/01/2015
Hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý tạm giữ, tạm giam (TGTG) hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện và đồng bộ. Trong những năm qua, hoạt động TGTG chỉ mới được điều chỉnh bằng Quy chế TGTG (ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP) và đến nay một số quy định đã không còn phù hợp khiến hoạt động quản lý giam giữ của các trại tạm giam, nhà tạm giữ còn gặp nhiều khó khăn.

Quá trình nghiên cứu thực tế thi hành các quyền của người bị TGTG, TS. Vũ Công Giao và ThS. Nguyễn Anh Đức (Khoa Luật ĐHQG Hà Nội) cho rằng, xây dựng Luật TGTG là giải pháp quan trọng để “chỉnh đốn” lại việc bảo đảm quyền cho người bị TGTG theo đúng tinh thần pháp luật và bản chất của nhà nước ta. Dự thảo Luật TGTG dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiền lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015).

Tăng cường quyền giám sát của cơ quan báo chí

Muốn vậy, dự thảo Luật TGTG phải có các quy định tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát không chỉ của các chủ thể hiện nay (VKSND các cấp, thanh tra ngành, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc), mà còn của các cơ quan báo chí, tổ chức phi Chính phủ (Việt Nam và quốc tế), các cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc.

Có các quy định ngăn chặn điều tra viên và cán bộ quản lý tra tấn, ép cung, bức cung hoặc có những hành động đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục người bị TGTG, bao gồm các quy định về cơ chế khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, hiệu quả những vi phạm và có các quy định tạo thuận lợi cho người bào chữa tham gia sớm vào tiến trình tố tụng, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Quy định chặt chẽ hơn về việc gia hạn tạm giam và nên rút ngắn thời hạn tạm giam, về nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng và điều tra viên phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, và thông báo các quyền đặc biệt là quyền bào chữa, cho người bị TGTG khi giao Quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, Quyết định khởi tố bị can cho bị can để khắc phục tình trạng vi phạm các quyền này một cách phổ biến như hiện nay. 

Quy định chặt chẽ và giảm thiểu các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt với người bị TGTG (giam riêng, phạt cùm chân, hạn chế gặp thân nhân, gửi và nhận thư, nhận quà). Quy định hình thức giam riêng ở buồng kỷ luật mà vẫn cùm chân, cũng như quy định người bị TGTG vi phạm nội quy nhiều lần có thể bị hạn chế gặp thân nhân, gửi và nhận thư, nhận quà là chưa phù hợp về phương diện nhân quyền và có thể dẫn đến việc áp dụng tùy tiện.

Giảm thiểu việc áp dụng biện pháp TGTG

Dự thảo Luật TGTG cần có các quy định chặt chẽ về điều kiện vật chất, kỹ thuật để khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về nơi ở, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa… cho người bị TGTG để tiệm cận với các tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế công nhận. Đề ra những yêu cầu cao hơn không chỉ về năng lực chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức, kiến thức, nhận thức, ý thức về tôn trọng, bảo vệ nhân quyền của đội ngữ cán bộ quản lý các nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Có các quy định liên quan đến việc khám xét, giam giữ một số đối tượng đặc thù mới, cụ thể như người phẫu thuật chuyển giới nhưng chưa thay đổi họ tên trong giấy tờ tùy thân. Trong vấn đề này, cần tôn trọng ý nguyện của họ trong việc lựa chọn người khám xét thân thể và lựa chọn nơi giam giữ. Có các quy định chặt chẽ hơn về căn cứ áp dụng các biện pháp TGTG nhằm giảm thiểu việc áp dụng các biện pháp này, thay thế bằng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản./.

Minh Nhật

 

Ý kiến:

* Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII - Bộ Công an: “Luật TGTG phải khắc phục được các tồn tại của Quy chế TGTG hiện nay, nâng cao chất lượng của công tác quản lý TGTG, đảm bảo tính nhân đạo XHCN, đảm bảo các quyền của người bị TGTG và phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí triển khai các dự án đầu tư về cơ sở giam giữ, phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý TGTG để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời gian tới. Cơ quan chủ quản phải chủ động xây dựng quy hoạch về công tác đào tạo đối với cán bộ làm công tác quản lý TGTG; tăng cường công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo của lực lượng công nhân dân  để đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý TGTG trong tình hình mới”.             

* Ông Triệu Quang Định - Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc TGTG và thi hành án hình sự, VKSNDTC: “Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại nhà tạm giữ, trại tạm giam cho thấy, trình tự thủ tục, chế độ quản lý giam, giữ cũng như việc thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam cơ bản được thực hiện theo quy định nhưng cũng có vi phạm công tác quản lý và thực hiện chế độ đối với người bị TGTG. Đáng chú ý là việc vi phạm nội quy, phạm tội mới của người bị TGTG xuất phát chính từ sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm, vi phạm kỷ luật nghiệp vụ của cán bộ quản giáo. Cá biệt, có nơi cán bộ, chiến sỹ nhà tạm giữ, trại tạm giam đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm và sức khỏe của người bị tạm giam…

Do đó, dự thảo Luật TGTG cần tiếp tục quy định và sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc TGTG, quy định cụ thể về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của VKSND trong TGTG nhằm bảo đảm dân chủ và quyền của người bị TGTG. Ngoài ra cần quy định, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc TGTG trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét, thực hiện và trả lời kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu và thi hành quyết định của VKSND trong việc TGTG theo quy định của pháp luật”.

* Bà Vũ Diệu Hải – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội luật gia tỉnh Kiên Giang: “nhằm hạn chế trong công tác TGTG, cần qui định chặt chẽ hơn các căn cứ được bắt, giữ người, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất việc bắt, TGTG, góp phần giảm tải cho các nhà tạm giữ, trại tạm giam và bảo đảm quyền con người trong tiến trình cải cách tư pháp. Pháp luật cũng cần có những qui định về các trường hợp người bào chữa được quyền hỏi bị can, người bị tạm giữ, được quyền tham gia một số hoạt động điều tra cụ thể vì hiện qui định về vấn đề này đang rất chung chung, phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của các điều tra viên. Ngoài ra, các cơ quan quản lý các cơ sở TGTG các điều tra viên cần phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành đầy đủ các qui định về TGTG, tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị TGTG, tạo điều kiện cho luật sư tham gia quá trình bắt, TGTG khi giải quyết vụ án…”

* LS.Quản Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật số 5 – quốc gia): “Ngoài sửa đổi các qui định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo hướng bãi bỏ “giấy yêu cầu luật sư của người bị TGTG”, cho phép người thân của người bị TGTG quyền yêu cầu luật sư, cần qui định rõ ràng, cụ thể về quyền thăm thân theo hướng tối đa hóa việc bảo đảm quyền thăm thân nhân của người bị TGTG và chỉ hạn chế quyền này trong trường hợp có căn cứ chỉ ra rằng việc thăm gặp sẽ gây cản trở cho hoạt động điều tra… Có như vậy mới đảm vảo tôn trọng quyền của người bị TGTG đã được qui định”.

* Ông Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội: “Người bị TGTG có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi trái pháp luật trong thực hiện TGTG nhưng trong thực tế đa số họ không dám thực hiện quyền này vì chủ thể bị tố cáo là người trực tiếp quản lý họ và đơn thư khiếu nại, tố cáo của người bị TGTG đều phải qua sự kiểm tra của cán bộ quản lý cơ sở giam giữ nên sợ bị trù dập, trả thù và cách tốt nhất là không thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Từ đó, cần có cơ chế được ghi nhận ngay trong luật TGTG để người bị TGTG thực hiện được quyền khiếu nại, tố cáo, góp phần hạn chế các vi phạm trong quá trình TGTG, bảo đảm tốt nhất quyền lợi chính đáng của người bị TGTG”./.