Cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: “Mở” phải nghĩ đến hệ lụy lâu dài

28/10/2014
Cho người nước ngoài mua nhà để xuất khẩu tại chỗ nhà ở thương mại, giúp “phá băng” thị trường bất động sản nhưng có thể tạo ra kẽ hở pháp luật để đầu cơ, trục lợi.

Quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thi hành Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Không phải có cho là mua được

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, quy định như dự thảo Luật không chỉ nhằm thu hút vốn của nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển. Với quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà…; không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh... thì không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.

Thời gian qua, chúng ta đã thí điểm cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam nhưng thực ra phản ứng thị trường phía người mua lại rất ít, thậm chí “ảm đạm”. Theo lý giải của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, “chúng ta mở nhưng vẫn có giới hạn, có thể nó không đảm bảo đủ yêu cầu với người cần mua”. Bên cạnh đó, chính sách về nhà ở cho người nước ngoài tương đối chặt so với các nước vì luật pháp của Việt Nam với luật pháp các nước vẫn còn xa lắm. Ví dụ chúng ta nói đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, Nhà nước chỉ đại diện quản lý. Còn ở các nước, đất đai thuộc sở hữu tư nhân nên với người nước ngoài việc họ mua một mảnh đất hay một ngôi nhà là chuyện bình thường miễn đáp ứng được các quy định của pháp luật. Do đó, đại biểu này cho rằng, “tiến hành từng bước và phải cân đối hài hòa để người nước ngoài hiểu được luật pháp Việt Nam và chấp nhận được. Đây cũng là quá trình chúng ta phải tuyên truyền”.

Hạn chế các phố “người nước ngoài”

Tuy nhiên, “mở” cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà sẽ kéo theo những nguy cơ mà nếu các nhà quản lý không lường trước, không dự liệu được các giải pháp để quản lý thì sẽ để lại những hệ lụy xã hội không nhỏ, nhất là về an ninh trật tự, quốc phòng. Đa số các ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở tại Việt  Nam.

Một số đại biểu đánh giá, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định về điều kiện cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà nhưng “còn quá lỏng lẻo” sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài có cơ hội đầu cơ, trục lợi từ thị trường bất động sản vốn đang bị đóng băng từ chính những hành vi đầu cơ, trục lợi của các “đại gia” bất động sản. Vì thế, không thể để cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu khối lượng lớn nhà ở như dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Kim Hồng (tỉnh Đồng Tháp) đưa ra con số nhà mà người nước ngoài có thể được mua thấp hơn rất nhiều so với dự thảo, không quá 50 căn nhà riêng lẻ/phố, đường để đảm bảo cho việc quản lý an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư. Thậm chí, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình) còn đề nghị thu hẹp đối tượng cá nhân nước ngoài được mua nhà, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể, còn lại chỉ được thuê, thuê mua để ở vì “chúng ta không nên khuyến khích cá nhân nước ngoài mua nhà để hạn chế tối đa hình thành các khu người nước ngoài, đảm bảo sự phát triển của người Việt Nam”.

Đề nghị cân nhắc quy định cho người nước ngoài mua nhà trong điều kiện hiện nay, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (tỉnh Tiền Giang) lưu ý, “không vì thị trường đóng băng mà quá mở rộng cho người nước ngoài mua số lượng lớn như dự thảo, gây khó khăn cho an ninh quốc phòng sau này”. Đại biểu Trần Văn Minh (tỉnh Quảng Ninh) vẫn băn khoăn vì đối tượng được mua nhà theo điều kiện của dự thảo Luật “rất đa dạng” sẽ dẫn đến đầu cơ nhà ở, hệ lụy không tốt cho thị trường, quốc phòng an ninh trong điều kiện quan hệ quốc tế phức tạp.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Thừa nhận tính chính đáng của những lo ngại xung quanh vấn đề an ninh trật tự khi cho phép người nước ngoài mua nhà, nhưng dưới góc độ hội nhập, đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) nhấn mạnh: “vì kiểm soát không được mà cấm là không nên mà phải có cách kiểm soát thông qua chọn đối tượng, điều kiện, xác định được mục đích sử dụng nhà, phát huy sự kiểm soát ngay từ cộng đồng và chính quyền để người nước ngoài tin tưởng, định cư và mạnh dạn đầu tư, góp phần vào sự phát triển”.

Huyền An