Duy trì giấy khai sinh là phù hợp với thông lệ quốc tế

27/10/2014
Báo cáo “Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) mới đây khẳng định: “Công ước về quyền trẻ em quy định mọi trẻ em đều có quyền có họ tên, quốc tịch và được bảo vệ giữ gìn bản sắc. Đăng ký khai sinh là cách thức quan trọng để đảm bảo thực hiện các quyền này của trẻ em”.

Với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh là giấy tờ tùy thân

Đăng ký khai sinh gần như là phổ cập ở Việt Nam, với 95% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh. Cùng với Giấy đăng ký khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là 2 giấy tờ rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam.

Theo quy định hiện hành của pháp luật về hộ tịch, khi đăng ký hộ tịch người dân đều được cấp một loại bản chính giấy tờ hộ tịch tương ứng với sự kiện hộ tịch đã được đăng ký. Với tinh thần đơn giản hóa giấy tờ công dân, dự thảo Luật Hộ tịch đã quy định theo hướng người dân khi đăng ký hộ tịch thì được quyền chủ động yêu cầu cấp trích lục hộ tịch (nếu có nhu cầu) thay vì được cấp bản chính giấy tờ như hiện nay. Quy định này ngoài việc loại bỏ áp lực cho người dân trong việc lưu giữ, bảo quản bản chính giấy tờ hộ tịch còn cắt giảm được kinh phí in ấn, phát hành bản chính giấy tờ hàng năm. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác đăng ký và quản lý hộ tịch từ nhiều năm nay cho thấy, đối với một số sự kiện hộ tịch quan trọng là khai sinh, kết hôn, thì việc lưu giữ và sử dụng bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là nhu cầu thực tế của người dân. Đặc biệt, với ý nghĩa là loại giấy tờ đầu tiên được cấp cho một người từ khi mới sinh ra, Giấy khai sinh có vai trò quan trọng trong việc giúp xác định một cách chính xác các thông tin cơ bản của cá nhân (như họ và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; dân tộc; quốc tịch; họ và tên cha, mẹ...) và làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ… Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân như trên còn có ý nghĩa như một giấy tờ tùy thân.

Đa số các nước chỉ cấp Thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên

Trẻ em dưới 14 tuổi thường có nhiều thay đổi về đặc điểm nhân dạng. Do đó, theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp: tuyệt đại đa số các nước đều cấp Thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên, khi đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định và ít thay đổi. Theo thông lệ quốc tế, Giấy khai sinh cũng là giấy dùng để chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Ở Pháp, các việc về hộ tịch được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự Cộng hoà Pháp. Theo Luật này, các sự kiện hộ tịch phải được đăng ký vào chứng thư hộ tịch cụ thể. Đối với việc khai sinh, Bộ luật dân sự Cộng hoà Pháp quy định: “Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày sinh trẻ, việc khai sinh cho trẻ phải được thực hiện trước viên chức hộ tịch tại nơi trẻ sinh ra” "Giấy khai sinh được lập ngay sau khi khai sinh”. Đối với việc kết hôn, Bộ luật Dân sự pháp quy định việc đăng ký kết hôn sẽ được ghi trong chứng thư kết hôn. Chứng thư kết hôn nêu rõ tên, họ, nghề nghiệp, tuổi, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi thường trú và nơi cư trú của vợ và chồng; tên, họ, nghề nghiệp và nơi thường trú của cha và mẹ…

Nếu như pháp luật của Cộng hoà Pháp quy định các sự kiện hộ tịch phải được đăng ký vào chứng thư hộ tịch cụ thể, sau đó các chứng thư này sẽ được ghi tiếp vào sổ thuyền bộ thì pháp luật hộ tịch Đức quy định mỗi gia đình có một quyển sổ gia đình trong đó ghi nhận các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Khi có sự thay đổi về các vấn đề về hộ tịch như sinh, tử, ly hôn, kết hôn đều được ghi chú vào sổ như sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử, kết hôn, ly hôn… Sau đó tất cả những sự kiện đăng ký sẽ được ghi vào sổ hộ tịch. Nếu có sự thay đổi về chỗ ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ làm thủ tục chuyển sổ hộ tịch đến địa chỉ mới.

Pháp luật hộ tịch Đức còn quy định các giấy tờ hộ tịch. Các giấy tờ hộ tịch là bản trích lục có chứng thực hoặc bản sao có chứng thực được trích từ sổ đăng  ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Như vậy, nếu như pháp luật hộ tịch một số quốc gia quy định bản chính giấy tờ hộ tịch là bản gốc thì pháp luật Đức quy định giấy tờ hộ tịch chỉ là bản sao, chỉ có sổ đăng ký hộ tịch là bản gốc. Đối với việc đăng ký khai sinh, pháp luật Đức quy định trẻ mới sinh phải được khai báo với cơ quan hộ tịch có thẩm quyền trong một thời hạn nhất định, tuỳ theo quy định của mỗi bang, có bang quy định thời gian đăng ký khai sinh là trong vòng 14 ngày, kể từ ngày sinh. Đối với việc đăng ký kết hôn, từ năm 2001, pháp luật Đức cho phép kết hôn giữa hai người đồng giới. Việc kết hôn giữa hai người đồng giới được ghi vào một sổ riêng, gọi là Sổ đăng ký các cặp đồng giới.

Tại Ai Len, phương thức đăng ký hộ tịch được quy định cụ thể trong Luật đăng ký hộ tịch năm 2004. Mỗi cá nhân làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại Văn phòng Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, nơi mà sự kiện  đó diễn ra. Việc đăng ký khai sinh không được muộn hơn 03 tháng kể từ khi đứa trẻ sinh ra. Mẫu đăng ký khai sinh được nhân viên bệnh viện phát cho các bà mẹ khi sinh con. Việc đăng ký khai sinh sẽ được đăng ký viên vào Sổ đăng ký khai sinh. Khi đăng ký khai sinh, đứa trẻ sẽ được cấp Số dịch vụ công cộng cá nhân.

Ở Nhật Bản, Luật Hộ tịch quy định hộ tịch được lập thành bản chính và bản phụ. Bản chính được lưu giữ tại Uỷ ban hành chính thành phố hoặc Uỷ ban hành chính làng, huyện. Bản phụ được gửi cho Cục Tư pháp quản hạt hoặc Sở Tư pháp địa phương hoặc các Chi cục trực thuộc lưu trữ. Cá nhân cũng có thể yêu cầu được giao cho giấy chứng nhận liên quan đến các mục ghi chép trong bản sao hoặc bản trích lục hộ tịch hoặc bản hộ tịch đó trừ trường hợp không có mục đích chính đáng. Luật Hộ tịch Nhật Bản quy định đăng ký khai sinh phải thực hiện trong vòng 14 ngày (đối với trường hợp sinh ở ngoài Nhật bản thì là trong vòng 3 tháng) . Trong giấy đăng ký phải ghi các nội dung như: Giới tính của trẻ và phân biệt trẻ là con trong giá thú hay con ngoài giá thú; Họ tên bố mẹ, nơi đăng ký hộ tịch, nếu bố hoặc mẹ là người nước ngoài thì là họ tên và quốc tịch của người đó…

Có thể thấy, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn là giấy tờ hộ tịch rất phổ biến ở các nước trên thế giới và trên thực tế nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi sinh hoạt của người dân trong cuộc sống hàng ngày.

                                                           Quang Minh

Ông Krisztián Gáva, Phó Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp và Hành chính công Hung-ga-ri: “Điện tử hóa các thông tin về hộ tịch là một quá trình lâu dài, không thể làm ngay được”

“Tại Hung – ga – ri, từ cách đây 120 năm, tất cả những thông tin liên quan đến hộ tịch như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn… đã được đăng ký và quản lý một cách quy củ. Hệ thống mã số định danh cá nhân cũng đã được triển khai từ cách đây vài thập kỷ, nhưng phải tới ngày 1/7/2014, những thông tin liên quan đến hộ tịch của chúng tôi mới được điện tử hóa  hoàn toàn. Nói thế để thấy rằng, việc xây dựng Hệ thống dữ liệu công dân, cấp mã số định danh cá nhân cũng như điện tử hóa các thông tin về hộ tịch là một quá trình lâu dài chứ không phải một lúc mà có thể triển khai ngay được.

Việc xây dựng các dữ liệu liên quan đến vấn đề hộ tịch rất khó có thể làm ngược lại thời gian, thu thập lại thông tin, mà chỉ nên triển khai hệ thống mới từ một thời điểm trở đi. Nếu bây giờ mới bắt đầu triển khai việc thu thập dữ liệu của các cá nhân cho một đất nước 90 triệu dân như Việt Nam thì có khi phải mất hàng thập kỷ mới có được một bộ dữ liệu hộ tịch hoàn thiện của cả nước. Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ là một hệ thống khổng lồ, tốn không ít kinh phí.