Bộ luật hình sự với vấn đề xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội

23/10/2014
Thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội (NCTNPT) ở nước ta cho thấy, các chế tài đối với NCTNPT tương đối nghiêm khắc, hình phạt áp dụng chủ yếu là hình phạt tù, nhưng tỉ lệ tái phạm vẫn cao. Điều này đặt ra yêu cầu về việc xem xét lại cách xử lý NCTNPT để bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa tội phạm.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định “Các quốc gia thành viên phải tìm cách thúc đẩy hình thành những đạo luật, thủ tục, qui định, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho các trẻ em bị coi là, bị tố cáo hay bị thừa nhận là đã vi phạm luật hình sự, đặc biệt phải: 1) quy định một hạn tuổi tối thiểu mà những trẻ em ở dưới hạn tuổi đó được coi như là không có khả năng vi phạm luật hình sự. 2) Bất kì khi nào xem xét thấy thích hợp và nên làm, thì đề ra các biện pháp để xử lý những trẻ em như thế mà không phải đụng đến những quá trình tố tụng tư pháp, miễn là các quyền con người và những điều kiện bảo vệ hợp pháp được tôn trọng đầy đủ”. Như vậy, xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với NCTNPT của nhiều nước trên thế giới là ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng, việc đưa người chưa thành niên vào hệ thống xử lý chính thức chỉ khi không còn cách nào khác để bảo đảm sự an toàn của cộng đồng, do vậy, tỉ lệ NCTNPT được áp dụng xử lý chuyển hướng chiếm tỉ lệ rất cao.

Tại diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 năm 2014 (22/10/2014), bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành chưa quy định vấn đề xử lý chuyển hướng, việc xử lý NCTNPT chủ yếu thông qua hệ thống tư pháp hình sự. Mặc dù, khoản 2 Điều 69 BLHS đã có quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, nhưng đây không phải là xử lý chuyển hướng theo đúng nghĩa và tương đồng với khuyến nghị của Quốc tế và của đa số các nước đang áp dụng cách thức xử lý này. Nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chuyển hướng với NCTNPT trong BLHS sẽ góp phần: hạn chế việc đưa NCTNPT vào vòng quay tố tụng phải tiếp xúc với hệ thống tư pháp chính thức bằng cách áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo, can thiệp tại cộng đồng và do đó làm giảm tác động tiêu cực đến sự phát triển của người chưa thành niên, giúp người chưa thành niên nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng; giải quyết triệt để hơn nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tái phạm. Việc giải quyết và xử lý vụ việc sẽ nhanh hơn, tìm ra cách thức phù hợp hơn để giải quyết nhu cầu của NCTNPT, bảo đảm lợi ích của người bị hại và cộng đồng; giảm thiểu số lượng các vụ việc phải giải quyết bằng hệ thống tư pháp chính thức, do đó giảm khối lượng công việc cho các cơ quan tư pháp, tiết kiệm được chi phí phát sinh từ quá trình tố tụng hình sự tốn kém và chi phí cho đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng tham gia xử lý. Bà Thoa cũng đưa ra một số đề xuất bổ sung vào BLHS về xử lý chuyển hướng đối với NCTNPT như: nguyên tắc xem xét áp dụng biện pháp thay thể xử lý hình sự, theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự trước khi quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên; bổ sung các quy định về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (loại biện pháp thay thế xử lý hình sự, nguyên tắc áp dụng, điều kiện áp dụng, nghĩa vụ của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp này).

Hiện nay BLHS đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, do đó việc nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTNPT sẽ có nhiều thuận lợi. Tại Việt Nam, khi người chưa thành niên vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xử lý đúng theo pháp luật và không có lựa chọn để áp dụng các biện pháp không chính thức. Do đó, bên cạnh việc bổ sung quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự vào BLHS (sửa đổi) thì phải bổ sung vào pháp luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự.

Thanh Bình