Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các bạn là bậc trí thức… Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh dũng cảm hơn để làm gương cho nhân dân”. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ “bậc”, từ dùng để chỉ người thuộc hàng đáng tôn kính trong xã hội, để nhận xét, đánh giá về đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ, người trí thức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và cất nhắc sử dụng. Trong báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Chính phủ kháng chiến trước kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khi giới thiệu về việc cử ông Vũ Đình Hoè làm Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “(Ông) là một trong đám người trí thức và hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng”.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tôn vinh giới trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở: Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Nhưng đôi khi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ. Người phân tích căn bệnh trầm kha của của những người trí thức sách vở, thiếu thực tiễn: “Trí thức là sự hiểu biết, trong hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại, công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn”. Từ đó, Người khẳng định: Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng trong thực tế, người trí thức cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình, phải khiêm tốn, chớ kiêu ngạo, phải ra sức làm việc thực tế.
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến ngày hôm nay vẫn giữ nguyên những giá trị đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp. Trước hết, người cán bộ tư pháp phải là nhưng người đã tích lũy những tri thức, hiểu biết cần thiết qua trường học, qua sách vở. Tuy nhiên, để trở thành một trí thức chân chính, những tri thức đó phải áp dụng trong thực tế để làm lợi cho dân, cho nước. Do đó, đọc sách, tích lũy tri thức từ sách để phục vụ cho thực tiễn cuộc sống là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người cán bộ tư pháp.
Ngày nay, người ta thường nói Sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, giá trị sách và phong trào đọc sách trong cộng đồng nói chung và trong đội ngũ cán bộ Bộ Tư pháp nói riêng còn có phần chưa được quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng.
Ngày 06/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 581/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các Thư viện là phải “ Đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc ở các thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện, tạo sự liên thông giữa các thư viện trong môi trường mạng nhằm khai thác vốn tài liệu phong phú, đa dạng ở các thư viện. Lấy nhiệm vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước làm mục tiêu lựa chọn sách, xây dựng vốn tài liệu thư viện để cung cấp kịp thời cho bạn đọc. Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.
Thực hiện Quyết định số 413/QĐ-VP ngày 03/4/2014 của Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thư viện, Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp luôn hướng tới nhiệm vụ “ Phổ biến rộng rãi, kịp thời vốn tài liệu thư viện bằng các hình thức thông tin để phát huy triệt để nội dung vốn tài liệu hiện có trong Thư viện” và “Xây dựng phong trào đọc sách, báo trong cán bộ, công chức, viên chức”. Hiện nay, Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp có trên 30.000 đầu sách, bao gồm: Từ điển, đề tài khoa học, hội thảo, luận án tiến sĩ, sách tiếng Việt, sách Văn học, sách nước ngoài (tiếng Anh, Trung, Đức, Pháp),... Ngoài ra, Thư viện còn lưu giữ công báo tiếng Việt, công báo Tiếng Anh, báo và tạp chí Luật các loại. Toàn bộ số sách và tạp chí đã được xử lý nghiệp vụ thư viện và đưa lên phần mềm quản lý thư viện Libol 5.5. Người đọc có thể tra cứu trên máy, lựa chọn các tài liệu qua thư mục giới thiệu tóm tắt của Thư viện.
Với vai trò là một Thư viện Luật của Ngành Tư pháp, Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp luôn đề cao và đẩy mạnh nhiệm vụ tôn vinh giá trị sách, phát triển phong trào đọc sách trong cán bộ Bộ Tư pháp, từ đó tích cực giúp cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp không ngừng trau dồi, tích lũy, cập nhật kiến thức, tri thức. Thư viện sẽ thường xuyên thông tin, giới thiệu sách mới, giới thiệu các thư mục chuyên đề Luật. Đặc biệt, trong năm 2014, hưởng ứng Kế hoạch của Bộ Thông tin và truyền thông về tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp sẽ tích cực phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và các đơn vị liên quan lần đầu tiên tổ chức “Ngày Hội đọc sách Bộ Tư pháp” với hy vọng sẽ biến sự kiện này trở thành hoạt động thường xuyên hàng năm của Bộ Tư pháp nhằm tôn vinh giá trị sách, khuyến khích phong trào đọc sách, từ đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp./.
Thư viện Văn phòng Bộ Tư pháp