Án lệ sẽ được tham khảo trong xét xử

08/04/2014
Án lệ sẽ được tham khảo trong xét xử
Hôm qua (7/4), tại TP.HCM, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ mười hai về Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS).

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, THADS là giai đoạn cuối của hoạt động tố tụng, qua đó nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung Luật THADS nhằm hoàn thiện thể chế về THADS, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết dự Luật tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của TAND và UBND địa phương trong công THADS, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: khi xác định vai trò của Toà án đối với công tác THADS, cần phân định để không lẫn lộn giữa Toà án và công tác THADS. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Toà án thực hiện quyền tư pháp và ra phán quyết, còn THADS, cụ thể là Chấp hành viên thực hiện bản án có hiệu lực pháp luật. Cần tăng cường sự gắn kết giữa Toà án và THADS là hướng đến xã hội hoá công tác THADS.

Trước đó, ông Trương Hoà Bình, Chánh án TANDTC đã trình bày Tờ trình về Luật Tổ chức Toà án nhân dân (TAND) trong đó có đề cập đến việc phát triển án lệ trong dự án Luật này. Ông Bình cho biết đây cũng là vấn đề đã được thảo luận kỹ trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013.

Theo quan điểm của Ban Soạn thảo Luật Tổ chức TAND, án lệ được xác định là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về một vụ việc cụ thể có nội dung lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và chỉ ra nguyên tắc áp dụng, được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn làm chuẩn mực để tham khảo trong công tác xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.

Nêu ý kiến về án lệ, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình với quan điểm của TANDTC đồng thời khẳng định, ở Việt Nam án lệ không phải là luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng rất ủng hộ phương án này.

Chánh án TANDTC tin tưởng “với việc phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán, trong xét xử, Hội đồng xét xử phải tham khảo án lệ khi xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và do đó về mặt xã hội”.

Tại Phiên họp, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các quy định về Tòa án khu vực và các vấn đề liên quan.

Phong Trần

Văn phòng Công chứng sẽ thay thế Phòng Công chứng?

Chiều cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công chứng sửa đổi”. Một trong những nội dung được Hội thảo quan tâm là việc chuyển đổi các Phòng Công chứng do Nhà nước đảm nhận thành các Văn phòng Công chứng (VPCC) của tư nhân. Tại Hội thảo này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, dù loại hình gì thì vấn đề quan trọng nhất là Công chứng ở Việt Nam là công chứng về nội dung, là dịch vụ công, không phải là công chứng về hình thức. Trong đó, Công chứng viên là người được đào tạo bài bản (Thẩm phán Phòng ngừa – PV). Đây là một nghề được đào tạo chuyện sâu. Công chứng viên là người được Nhà nước bổ nhiệm, hoạt động phi lợi nhuận, không được quảng cáo, cạnh tranh với nhau… và chịu sự quản lý điều tiết của Nhà nước. Ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đồng tình với ý kiến khẳng định công chứng là một hoạt động quan trọng nhằm bào đảm cho các giao dịch, hạn chế tối thiểu các rủi ro cho người dân và khẳng định: “Việc chuyển đổi Phòng Công chứng sang VPCC,  TP.HCM hoàn toàn ủng hộ”.