Bộ trưởng có thể cho biết, căn cứ để Bộ Tư pháp lựa chọn thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp Vụ lần này?
Đương nhiên là căn cứ từ chủ trương của Đảng, qui định của Chính phủ. Thực ra Bộ Tư pháp đã có ý định thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng từ lâu. Thực tế Đề án về vấn đề này của Bộ Tư pháp đã được thông qua từ 2 năm rồi. Chúng tôi đã tiến hành thi tuyển lãnh đạo cấp phòng lần thứ nhất và giờ mở rộng để thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ.
Việc chuẩn bị cho thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ đã được tiến hành 1 năm và lẽ ra nếu làm tích cực hơn, kịp thời hơn thì đã làm lần đầu vào cuối năm 2013. Nếu kỳ thi thành công thì trong năm sẽ làm tiếp để đến năm 2015 sẽ tổng kết việc thí điểm, đánh giá rồi sau đó có thể thông qua Đề án, chính thức đưa việc thi tuyển lãnh đạo quản lý vào làm thường xuyên trong mỗi lần bố trí, sắp xếp lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Xin Bộ trưởng nói rõ hơn vì sao vẫn còn 2 chức danh không đạt yêu cầu để tổ chức thi tuyển ngoài vị trí thi tuyển lần này?
Lần này, ngoài vị trí Phó giám đốc Học viện Tư pháp, chúng tôi cũng đã quyết định thi tuyển cho vị trí thủ trưởng một đơn vị thuộc Tổng cục thi hành án dân sự và một trưởng phòng thuộc một đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, nhưng rất tiếc là 2 vị trí này chỉ có một ứng cử viên, lại là người tại đơn vị, có trong qui hoạch nên chúng tôi không tổ chức thi vì sẽ thiếu tính cạnh tranh, không mang ý nghĩa của việc thi cử.
Như đã biết, đặc thù công tác đào tạo của Học viện Tư pháp là đào tạo không chỉ các chức danh tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý mà còn đào tạo các chức danh do TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn luật sư Việt Nam tham gia quản lý nên Bộ Tư pháp rất muốn mở rộng đối tượng tham gia dự thi. Trong Đề án thí điểm thi tuyển chức danh Phó giám đốc Học viện Tư pháp có mời cả những luật sư đang hành nghề, đang công tác tại các tổ chức pháp chế ở các Bộ, các doanh nghiệp nhà nước nhưng tiếc là sự hưởng ứng cũng vẫn chỉ đến từ các đơn vị thuộc Bộ.
Điều này khiến tôi rất trăn trở vì phải chăng do vị trí thi tuyển chưa hấp dẫn, việc quảng bá cho kỳ thi chưa đủ rộng khắp. Song dù đã lùi kỳ thi sang đầu năm 2014 để có thêm thời gian quảng bá rộng hơn nhưng vẫn chỉ có 2 ứng cử viên cho thấy phải có chính sách hấp dẫn hơn nữa để cải tiến và thu hút rộng rãi hơn nhân tài từ các khu vực khác vào Bộ, ngành Tư pháp.
Vậy đó sẽ là những chính sách gì, thưa Bộ trưởng?
Tất nhiên các chính sách không thể vượt quá các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng với đơn vị sự nghiệp có thu như Học viện Tư pháp thì có thể tự chủ hơn như có chính sách khuyến khích đầu vào về tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, trong kỳ thi này, việc thi tuyển chưa có gì để vận dụng chính sách thu hút nên người trúng tuyển vẫn sẽ chỉ được hưởng các chính sách như những người khác được bổ nhiệm. Có lẽ vì vậy việc thi tuyển chưa có sức thu hút những người ngoài Bộ tham gia thi tuyển.
Bộ trưởng kỳ vọng gì vào kết quả thi tuyển lần này?
Lâu này chúng ta thực hiện việc bố trí, sắp xếp cán bộ trên cơ sở qui hoạch. Đương nhiên qui hoạch sẽ mang tính chủ động và gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, thậm chí cả luân chuyển cán bộ. Tôi cho đó là một cách làm rất hay. Phần lớn cán bộ lãnh đạo quản lý của Bộ Tư pháp là được bố trí theo qui hoạch và qua quá trình thử thách. Ngoài mặt tích cực, việc bổ nhiệm cán bộ theo qui hoạch cũng có mặt chưa tốt là việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ở những nguồn khác (ngoài Bộ, ngành, thậm chí ngoài cơ quan nhà nước) là không thể hoặc khó. Ngay trong Bộ, có nơi có lúc làm qui hoạch người ta cũng mang tư tưởng khép kín người của đơn vị mà không mở rộng ra bên ngoài nên chúng tôi cho rằng, phương thức thi tuyển lãnh đạo là một cách thức nữa để bổ khuyết cho những điểm còn tồn tại trong việc bổ nhiệm cán bộ theo qui hoạch, qui trình như hiện nay.
Nói vậy thì nếu thí điểm thành công có cần phải thực hiện qui hoạch cán bộ dài hạn nữa không, thưa Bộ trưởng?
Vẫn phải qui hoạch. Đây là chủ trương đúng đắn, rất cần phải làm nhưng như tôi đã nói, để bổ khuyết cho qui hoạch thì thi tuyển cần tăng cường. Hai hình thức này được thực hiện song song với nhau, mỗi kỳ đều cùng thực hiện qui hoạch và thi tuyển, lựa chọn một số chức danh thì rất tốt.
Sau kỳ thi, việc giám sát thực hiện chương trình hành động của những người trúng tuyển để đạt mục đích đề ra sẽ được tiến hành như thế nào?
Đúng như vậy. Mặc dù đây lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý nhưng trước đó Học viện Tư pháp đã từng tổ chức thi tuyển cho vị trí trưởng phòng một đơn vị thuộc Học viện. Kết quả đã chứng minh người trúng tuyển đã thực hiện tốt đề cương, đề án mà họ đã bảo vệ trước Hội đồng thi tuyển.
Người trúng tuyển trong kỳ thi này sẽ được bổ nhiệm trong vài ngày tới mà không cần qua các qui trình bổ nhiệm như bình thường và tôi tin những người đã dũng cảm tham gia kỳ thi này thì cũng đã chuẩn bị tốt về nội dung, tinh thần, tư thế để sẵn sàng nhận nhiệm vụ và có sự giám sát./.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
H.Giang