Trợ giúp pháp lý: Một chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp lòng dân, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa

25/05/2006
Trợ giúp pháp lý: Một chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp lòng dân, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa
"Có một thực tế là, người nghèo và đối tượng chính sách hiểu biết pháp luật còn hạn chế, trong nhiều trường hợp không biết tự bảo vệ khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại và không có khả năng trả chi phí dịch vụ pháp lý…" Đó là một trong những nội dung cần thiết để ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh như vậy khi báo cáo Tờ trình về dự thảo Luật TGPL trước Quốc hội, trong phiên họp toàn thể ngày 24/5/2006.

Theo Tờ trình này của Bộ trưởng Uông Chu Lưu, sau 8 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có 64 Trung tâm TGPL Nhà nước ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1.676 chi nhánh, tổ, điểm, câu lạc bộ TGPL cấp huyện, liên xã với 483 chuyên viên và 7.786 cộng tác viên thực hiện TGPL, hơn 650 nghìn vụ việc được TGPL, hàng chục triệu người được tuyên truyền, giải đáp pháp luật miễn phí. Từ thực tiễn triển khai công tác TGPL cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, hợp lòng dân, gắn với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhiều nước trên thế giới…

Báo cáo về Dự thảo Luật, Bộ trưởng nêu rõ, TGPL nhằm cung cấp dịch vụ pháp luật miễn phí, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao ý thức pháp luật, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Dự Luật quy định quyền, nghĩa vụ của người được TGPL, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức TGPL, nguyên tắc, hình thức, trình tự, thủ tục TGPL, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TGPL và quản lý về TGPL…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển

Nội dung Báo cáo thẩm tra dự án Luật TGPL do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển trình bày cũng nhấn mạnh, sự cần thiết ban hành Luật TGPL, tán thành với nhiều quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật TGPL được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị lưu ý thể chế hóa đầy đủ hơn về nội dung dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo…

Đại biểu Vũ Ngọc Cừ (Lào Cai)

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình và nhất trí cao việc cần thiết ban hành Luật TGPL. Về người được TGPL, ý kiến chung tán thành với dự thảo Luật: Đối tượng được TGPL là người nghèo. Đại biểu Vũ Ngọc Cừ (tỉnh Lào Cai) cho rằng, cần thực hiện TGPL cho người nghèo và người được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; việc ưu đãi đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay.

Xã hội hoá TGPL cũng được các đại biểu quan tâm đề cập. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (tỉnh Sơn La) nhấn mạnh: TGPL là nhiệm vụ của Nhà nước, song cần đẩy mạnh xã hội hoá TGPL với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật, các cơ quan báo chí, cá nhân trong nước và nước ngoài...

Đại biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh)

Xung quanh vấn đề Quỹ TGPL, đại biểu Trương Thị Mai (tỉnh Trà Vinh) cho biết: Cần thiết phải có Quỹ TGPL. Các nước cũng quy định việc xây dựng Quỹ TGPL trong luật pháp để hỗ trợ cho hoạt động TGPL song phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, tránh tuỳ tiện trong việc sử dụng quỹ. Đại biểu Nguyễn Kim Cúc (tỉnh Long An) đề nghị bổ sung thêm một số chi tiết về những hành vi bị cấm như xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhiều ý kiến các đại biểu tán thành mỗi tỉnh, thành phố nên có ít nhất 1 Trung tâm TGPL…

Sau một ngày thảo luận có gần 40 đại biểu tham gia đóng góp xây dựng Luật TGPL, làm rõ hơn một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đoàn Chủ tịch giao Ban Soạn thảo và Đoàn Thư ký tiếp thu, chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua.

Hôm nay, 25/5/2006, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

(Theo website Chính phủ)