Nhiều điểm đổi mới
Đại diện Tổ biên tập Dự thảo Luật sửa đổi – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ cho biết, đa số thành viên Tổ biên tập nhất trí không kết cấu các quy định về gia đình là một phần của BLDS vì ba lý do. Cụ thể, từ năm 1959 đến nay, nước ta đã có luật riêng về hôn nhân và gia đình (Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986, 2000) và cơ bản các Luật này đã thực hiện tốt vai trò của mình trong điều chỉnh các quan hệ gia đình như là các quan hệ tư. Thứ hai, trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã được đưa vào chương trình chính thức và đang trong quá trình triển khai thực hiện để dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2013. Ngoài ra, ở nhiều nước trên thế giới bên cạnh BLDS có ban hành một luật riêng về gia đình như Trung Quốc, Liên bang Nga, Philippines… và các nước đã có luật riêng về gia đình thường không kết cấu phần gia đình vào trong BLDS.
Bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì cũng có người tỏ rõ băn khoăn về đề xuất đổi mới trên của Dự thảo. Lo ngại với những xáo trộn có thể xảy ra nếu như bỏ quy định về gia đình, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cần tiếp tục quy định về gia đình như là một phần trong BLDS vì đây là một trong những quan hệ dân sự cơ bản, có tính ổn định cao. “Tương tự, Luật Hôn nhân và gia đình đang sửa đổi đề xuất công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng không phải cứ cái gì thế giới có thì Việt Nam phải có, chúng ta còn phải xét đến hoàn cảnh, điều kiện, truyền thống văn hóa trong nước ta” – vị đại diện này lý giải. Hay theo thông tin của một giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, Hungary không quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (tương ứng với Phần 7 của BLDS Việt Nam) mà lại đưa quy định về gia đình vào BLDS mới của mình.
Ngoài ra, Tổ biên tập Luật sửa đổi cũng đề xuất thay “Phần Tài sản và quyền sở hữu” thành “Phần Vật quyền”, “Phần Nghĩa vụ và hợp đồng” thành “Phần Trái quyền”. Có một số ý kiến cho rằng không nên sử dụng các thuật ngữ “vật quyền”, “trái quyền” vì chúng là những thuật ngữ pháp lý chuyên sâu, rất khó hiểu nhưng đa số quan điểm lại đồng tình bởi chúng mang tính khái quát cao, phù hợp với tính chất của luật gốc.
Nên để luật chuyên ngành điều chỉnh?
Một dự kiến khác của Tổ biên tập cũng nhận được sự quan tâm là Dự thảo Luật sửa đổi sẽ không tái kết cấu quy định về chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ thành các phần của BLDS sửa đổi.
Việc bỏ quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ra khỏi BLDS nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận. Tuy nhiên, đại diện VKSNDTC, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam phân tích, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản, nên chăng Dự thảo BLDS sửa đổi vẫn cần tính toán duy trì, nếu vẫn đề xuất bỏ ra thì cần nghiên cứu đâu là những đặc thù của giao dịch liên quan đến đất đai để đưa vào phần hợp đồng.
Phát biểu về vấn đề này, tại cuộc họp Ban soạn thảo hôm qua – 4/4, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, cần đánh giá nghiêm túc vai trò của BLDS với tư cách bộ luật gốc trong xây dựng các luật chuyên ngành mà đã có nhiều đạo luật bỏ qua như Luật Ngân hàng Nhà nước hay Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ thì “đi rất xa”, gây ra sự xung đột không cần thiết, làm mất hoàn toàn tính luật gốc. “Vậy sửa đổi BLDS lần này có làm thay các luật chuyên ngành trong lĩnh vực dân sự nữa hay không, cần phải nghiên cứu để làm sao BLDS có sức sống lâu dài với tư cách luật gốc, quyết định các luật chuyên ngành, tạo môi trường pháp lý ổn định trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, dân sự” – Bộ trưởng chỉ đạo. Riêng về quyền sử dụng đất, theo Bộ trưởng, Luật Đất đai vừa là luật công vừa là luật tư, do đó nếu xem quyền sử dụng đất thì gắn với sở hữu, chiếm hữu… thì BLDS cũng cần nghiên cứu quy định cho phù hợp.