Dự thảo Luật Thủ đô: Cho Hà Nội thu phí giao thông và xử phạt hành chính cao hơn

26/10/2012
Lần thứ 2 được trình ra Quốc hội, hôm nay - 26/10, dự thảo Luật Thủ đô (LTĐ) được Ủy ban Pháp luật đánh giá là “phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn” do cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khoá XII, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan...

Cần một số cơ chế, chính sách phù hợp cho Thủ đô

Tán thành với sự cần thiết ban hành LTĐ nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Ủy ban Pháp luật cho rằng, với vị trí, vai trò của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia thì việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là trách nhiệm chung của các cơ quan TƯ, TP.Hà Nội và nhân dân cả nước. Để có thể khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh phát triển Thủ đô thì “cần quy định cho Thủ đô một số cơ chế, chính sách phù hợp. Các cơ chế, chính sách này hoặc là chưa được quy định trong luật hiện hành hoặc đã được quy định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô” – báo cáo thẩm tra khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật, cho phép HĐND TP.Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật “ban hành các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô”. Theo Ủy ban Pháp luật, đây là biện pháp để đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng xây dựng, bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô. Bởi một trong những nguyên nhân tồn tại của việc không bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư ở Hà Nội, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông là do giải phóng mặt bằng chậm.

Tuy nhiên, Ủy ban lưu ý, ban hành các biện pháp này phải dựa trên cơ sở xem xét, cân nhắc đến lợi ích hài hoà của Nhà nước, doanh nghiệp và lợi ích người dân có đất bị thu hồi, tránh việc áp dụng không đúng pháp luật, không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.

Giải pháp quản lý dân cư: chưa tối ưu nhưng cần thiết

Quản lý dân cư (Điều 19) luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong quá trình soạn thảo LTĐ. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tại khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật quy định điều kiện đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội là “tạm trú từ 3 năm, nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” để tránh tình trạng tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú ở một nơi khác, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư.

Theo đánh giá chung, qui định này chặt hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú. Uỷ ban pháp luật nhận thấy, thực tế tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên những áp lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm…

Việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng “tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành”. Do đó, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành quy định về điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) của công dân ở nội thành Hà Nội như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cũng đề nghị, về lâu dài cần phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này.
Thu phí giao thông và xử phạt hành chính cao hơn
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, dự thảo Luật quy định HĐND TP.Hà Nội được quy định mức thu phí giao thông vận tải và mức phạt tiền ở nội thành cao hơn (không quá 02 lần) đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng.

Nhiều ý kiến tán thành trong Ủy ban pháp luật nhận định rằng, cho phép Hà Nội quy định mức phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm góp phần hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm ngày càng phục vụ tốt hơn cho người tham gia giao thông. Còn xét về vị trí, vai trò và tình hình thực tiễn của Hà Nội thì phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn trong 3 lĩnh vực này mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự quản lý hành chính ở Thủ đô. Đây là một trong những giải pháp cần thiết áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác để góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay của Thủ đô Hà Nội.

Mặc dù vậy, Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô thời gian qua còn có nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm... Vì vậy, cùng với việc xây dựng, ban hành LTĐ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các cấp TP.Hà Nội cần sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế này, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

Hương Giang