Bộ  trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Chỉ có lăn xả vào cuộc sống, Tư pháp mới hiểu mình phải làm gì”

25/01/2010
Bộ  trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Chỉ có lăn xả vào cuộc sống, Tư pháp mới hiểu mình phải làm gì”
Những ngày cuối năm 2009, khắp các tỉnh, thành trên cả nước tưng bừng tổ chức Lễ Công bố quyết định thành lập Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự. Có một người đi lại như con thoi giữa 3 Miền để chứng kiến sự chuyển mình quan trọng này. Ai cũng hiểu, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của ông, lịch sử ngành Thi hành án dân sự đã bước sang trang mới.

Cuộc đời là những chuyến đi

Bứt khỏi sự ồn ào, náo nhiệt với những cuộc họp liên miên của Thủ đô Hà Nội, giữa cái lạnh và tĩnh lặng bên dòng sông Nhật Lệ, nơi ông đã gắn bó ân tình suốt gần 4 năm rưỡi đi luân chuyển, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trở nên trầm ngâm khi lý giải về tâm huyết của ông đối với ngành Tư pháp.

Từ trước tới nay, Bộ Tư pháp được thừa nhận là có trí thức, được đào tạo bài bản, sau hơn 20 năm đổi mới, cũng đã có kinh nghiệm nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Nhưng mà, Bộ Tư pháp không thể mạnh được, không bao giờ mạnh được nếu các Sở Tư pháp không mạnh, các Phòng Tư pháp không mạnh, tư pháp cơ sở không mạnh và các tổ chức pháp chế pháp chế Bộ, ngành, Sở…không mạnh”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường bắt đầu câu chuyện về những chuyến đi hướng về cơ sở.

Thực ra, chủ trương Tư pháp hướng về cơ sở đã được Bộ Tư pháp đề ra từ lâu, đã có những kết quả nhất định, nhưng từ cuối năm 2007, khi từ Quảng Bình trở về, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chợt nhận ra rằng, chủ trương này trong nhiều năm qua chưa được chú trọng đúng mức: “Bộ đề ra chủ trương, nhưng phần lớn để cho địa phương chủ động. Cứ nghĩ rằng phân cấp cho địa phương, nhất là trong việc chứng thực, hộ tịch, trong nhiều việc khác là đã hướng về cơ sở rồi. Nhưng mình lại không hiểu rằng, khi các điều kiện chưa được chuẩn bị một cách đồng bộ, nhất là nguồn nhân lực cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn chưa được đào tạo một cách bài bản, thì chủ trương hay mấy cũng không thành hiện thực một cách tốt đẹp”. Hậu quả là những bức tranh còn nhiều trăn trở trong công tác chứng thực, hộ tịch; là con số 1/3 cán bộ tư pháp cơ sở chưa qua đào tạo Luật; là sự lúng túng của ngành Tư pháp trong công tác tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương đúng theo pháp luật…Vị thế của ngành Tư pháp cũng vì những lúng túng đó mà chưa được rõ nét ở nhiều địa phương.

Trong nhiệm kỳ của mình, tôi vẫn xác định hướng về cơ sở là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Chỉ có lăn xả, hoà  nhập vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, Tư pháp mới hiểu mình cần phải làm gì”. Nghĩ là xắn tay làm, chỉ trong vòng 2 năm, gần 63 tỉnh, thành trên cả nước đã có dấu chân của người đứng đầu ngành Tư pháp, có nơi đến 2 – 3 lần. Ông tâm sự: “Ngoài công việc chung của Bộ, Quốc hội, Trung ương, tôi luôn cố gắng cao nhất để đến với địa phương. Nhiều khi, việc đến với địa phương rất quan trọng. Qua đó, cấp uỷ, chính quyền  các tỉnh có nhận thức đầy đủ hơn về công việc mà Tư pháp, Thi hành án đang làm”.

Có một điều khác so với các nhiệm kỳ trước, là đi đến đâu, kết luận với địa phương cái gì, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đều chỉ đạo có thông báo bằng văn bản, thậm chí Bộ và tỉnh còn kiểm điểm với nhau xem đã làm được cái gì, chưa làm được cái gì trong từng thời kỳ. “Rất mừng là sau những chuyến đi như vậy, công tác tư pháp ở các địa phương đều có chuyển biến cụ thể” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường trở nên hào hứng.

Tư pháp chuyển mình

Năm 2009 có thể nói là một năm nhiều thành công đối với ngành Tư pháp. Cuối năm 2008, đầu năm 2009, một loạt đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động của ngành Tư pháp như: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... được Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên, trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp tự tin báo cáo: Năm 2009, kết quả thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao”. Cũng trong năm 2009, Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất thành công, lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Lần đầu tiên, giới luật sư cả nước được tập hợp trong một tổ chức thống nhất.

Khắp các địa phương, sự phấn chấn thể hiện rõ trên từng kết quả công tác của ngành Tư pháp. Không phải địa phương nào cũng như địa phương nào, nhưng nhìn chung, Tư pháp các địa phương đều có những tiến bộ khá đồng đều” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét. Ví dụ như Tư pháp Hà Nội. Trong lúc gặp không ít khó khăn do mở rộng địa giới hành chính, nhưng trong năm 2009, anh em đã làm được rất nhiều việc, cả Tư pháp và THADS đều có những chuyển biến rất tốt. Hay như Cà Mau, là một tỉnh rất xa của đất nước, nhưng tôi rất ấn tượng vì các phong trào ở đây đều khá nổi. Sở Tư pháp đã xây dựng Website của mình, tất cả những công việc liên quan đến người dân mà Sở tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đều được đưa lên Website. Nếu người dân sử dụng internet thì ngồi nhà cũng có thể biết được công việc của mình đang được xử lý đến đâu và kết quả như thế nào”.

Có người bảo, ông không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người là đáng tiếc. Nhiều lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp hiện nay vốn là học trò của ông khi ông còn là giảng viên Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong các câu chuyện hàng ngày, họ vẫn nhắc tới người thầy cũ của mình với tình cảm đầy trân trọng và ngưỡng mộ. Có người lại bảo, đáng lẽ ông phải theo ngành Ngoại giao, bởi phong cách của ông khiến nhiều người cảm thấy ông rất gần. Nhưng những người làm công tác tư pháp lại khẳng định rằng, ông phải là nhà làm luật. Được đào tạo bài bản về luật học, ông chính là người được sinh ra để làm thuyền trưởng, gánh vác công việc của ngành Tư pháp trong những năm tháng sôi động này.

Nhìn ông nhiệt huyết trên hành trình khẳng định thương hiệu ngành Tư pháp, bất chợt, tôi nhớ tới câu nói của nhà văn Thuỳ Linh: “Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi mãi”. Chia sẻ với tôi suy nghĩ về người bạn của ông, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Lương Ngọc Bính nhận xét: “Anh Cường là vậy, lúc nào cũng “cháy” hết mình”.

Khi chia tay người đứng đầu ngành Tư pháp sau buổi lễ Công bố Quyết định thành lập Cục THADS Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Chức, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc gật gù với người đồng hương của mình: “Tôi phục anh đấy. Nếu không là anh, không biết có cái lễ Công bố thành lập Cục THADS hôm nay không”. Trong tiếng cười “đáp lễ” của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có cái gì đó thật thanh thản mà đầy hoài bão, khát khao.

Hồng Thuý, ảnh Phạm Đức Dụ