Chế định ủy quyền trong tố tụng hình sự: Chưa được chú trọng

22/01/2010
Với sự phát triển của xã hội, ủy quyền không chỉ được áp dụng trong các giao dịch dân sự mà còn được áp dụng trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, trong đó có tố tụng hình sự (TTHS). Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích chính thức về chế định ủy quyền trong TTHS. Vì vậy, việc hiểu và áp dụng chế định ủy quyền trong TTHS vào thực tế chưa thống nhất, thậm chí chưa đúng.

Còn nhiều trống vắng!

Trong Bộ luật TTHS hiện hành, nhà làm luật dùng nhiều khái niệm khác nhau như “ủy quyền”, “ủy thác”, “ủy nhiệm”, “phân công”, “cử” khi quy định về mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, không có điều luật nào quy định cơ quan, cá nhân này ủy quyền cho cơ quan, cá nhân khác. Còn trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay vẫn đang tồn tại một cơ chế mà theo đó, Viện Kiểm sát (VKS) cấp trên ủy quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm, các cán bộ lãnh đạo cấp phó hoặc nhân viên thừa ủy quyền của lãnh đạo cấp trưởng ký các văn bản tố tụng hoặc văn bản hành chính - tố tụng. PGS.TS.LS. Phạm Hồng Hải nhận xét, ở trường hợp thứ nhất, việc dùng khái niệm “ủy quyền” chưa chính xác, chưa phù hợp với nội dung nguyên nghĩa của khái niệm này. Ông Hải phân tích, xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát, VKS cấp trên hoàn toàn có quyền “phân công” cho VKS cấp dưới thực hiện các công việc cụ thể, gồm cả việc thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ở trường hợp sau, khi một người ký văn bản dưới danh nghĩa thừa ủy quyền của lãnh đạo cấp trưởng, về nguyên tắc, họ phải được lãnh đạo cấp trưởng ủy quyền bằng văn bản (ủy quyền theo từng vụ việc) hoặc bằng các quy định trong quy chế nội bộ của cơ quan đó (ủy quyền thường xuyên).

Không những vậy, Bộ luật TTHS năm 2003 cũng không có các điều luật quy định việc ủy quyền giữa các cơ quan và những người tham gia tố tụng mà mới chỉ đề cập tới khái niệm “người đại diện hợp pháp” tại các điều luật từ Điều 51-54 về người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005, người đại diện hợp pháp bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Như vậy, những người tham gia tố tụng như bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong những trường hợp không có người đại diện theo pháp luật mà họ không muốn hoặc không có điều kiện tham gia tố tụng thì có thể ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình thông qua người đại diện theo ủy quyền. Còn những người tham gia tố tụng như người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng được coi là bắt buộc phải tự mình tham gia trực tiếp vào các hoạt động tố tụng, không được ủy quyền cho người khác.

Đã đến lúc phải sửa đổi!

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, việc hợp tác giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước và giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của nước ta với các cơ quan tiến hành tố tụng nước ngoài là một bảo đảm quan trọng cho hiệu quả của quá trình giải quyết vụ án hình sự nói riêng và hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung thì việc sửa đổi, bổ sung những bất cập, thiếu vắng của Bộ luật TTHS năm 2003 về ủy quyền là cần thiết. Một vị luật sư có uy tín cho rằng, việc ủy thác trong TTHS cần được mở rộng hơn nữa nhằm hạn chế chi phí và nâng cao tính thiết thực của các hoạt động, các hành vi tố tụng cụ thể, chứ không nên chỉ bó hẹp ở hai lĩnh vực điều tra và thi hành án.

Các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay giữa nước ta với các nước cũng mới dừng lại ở việc ủy thác thực hiện xác minh lý lịch tư pháp theo yêu cầu của bên đối tác. Quan điểm của ông Hải là phải mở rộng việc ủy thác giữa các bên ký kết hiệp định tới các hoạt động như bắt giữ người, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định, dẫn độ tội phạm…. Đồng thời, cần hạn chế việc ủy quyền trong TTHS để buộc những người có quyền năng tố tụng phải trực tiếp tham gia tố tụng và không nên dùng từ “ủy quyền” khi cấp trên phân công cho cấp dưới thực hiện các công việc cụ thể. “Trong trường hợp VKS cấp trên ra cáo trạng và VKS cấp dưới thực hành quyền công tố để bảo vệ cáo trạng đó thì không nên dùng khái niệm VKS cấp trên ủy quyền cho VKS cấp dưới”, ông Hải ví dụ.

Hoàng Thư