Tiếp tục chương trình làm việc, cuối tuần qua, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.
Học phí mầm non: không vượt quá 6% thu nhập của hộ gia đình
Nói về lý do tăng học phí, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lý giải: Chế độ học phí được thực hiện từ năm 1998 đến nay vẫn chưa thay đổi; mức học phí hiện nay quá thấp, dưới khả năng chi trả của người dân ở các vùng đô thị, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua. Từ năm 2000 đến năm 2008, mức giá tiêu dùng đã tăng 1,84 lần. Như vậy, với mức thu học phí như hiện nay thì giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 54%. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý trong cơ chế tài chính giáo dục hiện tại, đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.
Đối với giáo dục mầm non và và giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) thì học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không được vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Với các hộ dân có thu nhập thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục, đi lại tối thiểu… thì được nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí. Phó Thủ tướng cho biết.
Học phí được thực hiện theo nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả, trong cùng một tỉnh có các vùng có mức thu nhập khác nhau có thể có mức học phí khác nhau. Mức học phí sẽ do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN & NĐ) của Quốc hội thì mức 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay, đa số học sinh, sinh viên là con em các hộ nông dân còn rất nghèo và khó khăn. Ủy ban VHGDTNTN & NĐ dẫn chứng ở nhóm các nước phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm từ 1,9 đến 7,95% thu nhập bình quân của hộ gia đình; còn ở các nước phát triển, con số này là từ 2% đến 10%. Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp mà áp dụng mức nói trên là cao.
Mặt khác, Ủy ban VHGDTNTN & NĐ cũng cho rằng, ghép “các khoản chi cần thiết khác” mà gia đình học sinh tự chi tiêu chung với học phí người học phải đóng cho cơ sở giáo dục là không rõ ràng, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện. Ủy ban đề nghị tách riêng học phí và khoản này nhưng không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình.
Học phí Đại học: tăng từ 180 ngàn lên 255 ngàn/tháng
Cùng với việc tăng học phí của các trường mầm non và phổ thông công lập đại trà, Chính phủ cũng đề nghị tăng mức học phí Đại học và học nghề. Tuy nhiên, điểm khác cơ bản là học phí đối với giáo dục nghề nghiệp (từ bậc sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng và đại học) được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, học phí phải đảm bảo bù đắp chi phí tiền lương, từng bước đảm bảo chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành đào tạo.
Riêng năm học 2009 -2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án, thì học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Theo đó, học phí Đại học tăng từ 180 ngàn đồng/tháng lên 255 ngàn đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120 ngàn/tháng lên 170 ngàn /tháng.
Về đề xuất tăng học phí đối với đào tạo nghề nghiệp nói trên, Ủy ban VHGDTNTN & NĐ cơ bản đồng ý với tờ trình của Chính phủ tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần làm rõ chính sách học bổng cho những học sinh, sinh viên giỏi, có triển vọng, cần theo hướng ngày càng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng giá trị của học bổng; đồng thời chính sách tín dụng cho sinh viên cũng cần được nghiên cứu mở rộng đối tượng vay là học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Sinh viên sư phạm: sẽ không được miễn học phí?
Chính sách hiện hành đối với sinh viên sư phạm hiện nay là được miễn học phí. Tuy nhiên, chính sách này bộc lộ bất hợp lý ở chỗ rất nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không phục vụ trong ngành giáo dục nhưng chưa có cơ chế buộc họ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Do đó, Chính phủ đề nghị thay đổi chính sách miễn học phí bằng chính sách cho sinh viên vay để học, khi ra trường nếu phục vụ trong hệ thống giáo dục quốc dân ít nhất 2 lần thời gian đào tạo (6 năm đối với cao đẳng sư phạm, 8 năm đối với đại học sư phạm) thì nhà nước sẽ xóa phần nợ (cả gốc và lãi) để chi trả học phí.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Đề án còn đề cập đến chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Cụ thể đã đề xuất thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; bảo lưu phụ cấp đứng lớp trong thời hạn 3 năm cho giáo viên được điều động, bổ nhiệm làm cán bộ quản lý giáo dục. tiếp tục chính sách ưu đãi cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn…
Theo chương trình, vấn đề tăng học phí sẽ được các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào thứ 4 tuần tới.
Thu Hằng
Đối với giáo dục mầm non và và giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) thì học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không được vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Với các hộ dân có thu nhập thấp, nếu 6% thu nhập chưa bảo đảm chi đủ cho các nhu cầu như dụng cụ học tập, sách giáo khoa, quần áo đồng phục, đi lại tối thiểu…thì được nhà nước hỗ trợ thêm, ngoài việc miễn học phí. |
Khung học phí đại học của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2009 - 2014
Đơn vị: Nghìn đồng/tháng/sinh viên
Nhóm ngành | Năm 2008 | Năm 2009 | Năm 2010 | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 | Năm 2014 |
1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật | 180 | 255 | 290 | 350 | 410 | 480 | 550 |
2. Kỹ thuật, công nghệ | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
3. Khoa học tự nhiên | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
4. Nông - lâm - thuỷ sản | 180 | 255 | 290 | 350 | 410 | 480 | 550 |
5. Y dược | 180 | 255 | 340 | 450 | 560 | 680 | 800 |
6. Thể dục thể thao, nghệ thuật | 180 | 255 | 310 | 390 | 480 | 560 | 650 |
7. Sư phạm | | | 280 | 330 | 380 | 440 | 500 |