Phá thế độc quyền trong kinh doanh bưu chính viễn thông: Người dân được lợi

06/05/2009
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề cần phải xây dựng Luật điều chỉnh trong khi Pháp lệnh Bưu chính viễn thông đã lỗi thời.

Xóa bỏ thế độc quyền.

Trước đây, lĩnh vực bưu chính viễn thông là độc quyền của nhà nước (chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được kinh doanh). Tuy nhiên, đến nay thế độc quyền này đã bị xóa bỏ bằng việc cho phép các doanh nghiệp khác cùng tham gia kinh doanh viễn thông (ví dụ Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel, Cty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn…). Sự tham gia kinh doanh của các đơn vị này làm lợi nhiều cho người tiêu dùng, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ, doanh số ngành viễn thông (năm 2008: trên 90.000 tỷ VNĐ) tăng với tỷ lệ khoảng 30% năm, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước (năm 2008: trên 11.000  tỷ VNĐ). Đồng thời nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép (tính đến hết năm 2008 đã có 10 doanh nghiệp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép). Số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng (năm 2008: hơn 70 triệu thuê bao điện thoại và  hơn 20 triệu người sử dụng Internet). 

Với sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng viễn thông như vậy, tuy nhiên, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông. Chất lượng và giá cước một số dịch vụ còn chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Vì vậy việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó việc chỉ cho các doanh nghiệp Nhà nước tham gia xây dựng hạ tầng mạng, một mặt sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và tăng rủi ro kinh doanh vốn nhà nước trong lĩnh vực này do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Nhà nước với nhau, mặt khác việc mở rộng cho các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp hạ tầng mạng cũng là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập, nhất là khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO với cam kết đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc gia nhập thị trường viễn thông.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Viễn thông đã quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Phủ sóng đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Song song với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh viễn thông theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cần có chính sách, cơ chế nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa bởi vì việc kinh doanh tại các địa bàn này không bảo đảm đủ bù đắp được chi phí và phát sinh lợi nhuận theo cơ chế thị trường. Thực tế, cũng chỉ có các doanh nghiệp viễn thông mới triển khai cung cấp được dịch vụ tại các vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, Nhà nước cũng không sử dụng nguồn vốn ngân sách đối với hoạt động này mà sử dụng nguồn tài chính do chính các doanh nghiệp viễn thông đóng góp từ khoản lợi nhuận do kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác mang lại. Do đó, từ 2005 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Hiện nay Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đang góp phần quan trọng vào việc phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng. 

Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 đã quy định về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích như các loại dịch vụ viễn thông công ích; thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; v.v… Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002 về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và để tiếp tục thúc đẩy việc phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân trên cả nước, dự thảo Luật Viễn thông đã quy định một chương về Viễn thông công ích. Theo đó, đã quy định các nội dung về hoạt động viễn thông công ích; bảo đảm thực hiện hoạt động viễn thông công ích; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Ngoài các dịch vụ viễn thông công ích tự điều tiết trong ngành viễn thông thông qua Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước đặt hàng để các doanh nghiệp viễn thông triển khai thì Nhà nước sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để chi trả cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường.

Bình An 

Dự án Luật quy định về hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện các hoạt động viễn thông công ích, trong đó đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích vì việc huy động tài chính từ các doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ cho dịch vụ viễn thông công ích không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước.