Sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Viêt Nam: Bước ngoặt lịch sử của nghề luật sư

06/05/2009
Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất (Đại hội) – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng nhận định, sự ra đời của Liên đoàn luật sư (LĐLS) là bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển của nghề LS Việt Nam. Trước thềm Đại hội, PLVN đã ghi nhận những kỳ vọng của giới LS trước bước ngoặt lịch sử này.

LS. Đỗ Ngọc Thịnh - ĐLS TP.Hà Nội: LĐLS ra đời là một mốc quan trọng để LS Việt Nam có thể bước sang trang mới trong tổ chức và hoạt động. Vì thế, tôi mong rằng, LĐLS sẽ thực hiện vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các LS, ĐLS một cách thiết thực và hiệu quả nhất, là nơi tập hợp đoàn kết, tạo nên sức mạnh mới cho giới LS trong tổ chức hành nghề, nhấn mạnh đến vai trò của LS trong sự phát triển chung của kinh tế xã hội. LĐLS cũng sẽ là nơi có thể giữ mối quan hệ giữa LS với các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là cơ quan tố tụng, tư pháp, thông qua đó bảo vệ LS và tạo môi trường thuận lợi cho giới LS tác nghiệp trong khuôn khổ luật pháp. Đồng thời thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, LĐLS sẽ tạo khuôn khổ để LS hoạt động đúng pháp luật và qui tắc đạo đức nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc. LĐLS phải là “phanh” để LS giữ được danh dự, uy tín, giá trị nghề nghiệp.

LS. Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.HCM: Nhiều quốc gia đã có tổ chức LS toàn quốc cho thấy việc ra đời LĐLS là nhu cầu đối với hoạt động LS. Nhu cầu đó là sự cộng tác, phát triển, thống nhất, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Riêng ở Việt Nam, LĐLS còn phải đóng vai trò giúp các LS phát triển đủ sức cạnh tranh với các đồng nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó, LĐLS cũng phải giúp tổ chức LS đi theo đúng định hướng XHCN của đất nước, phục vụ cho mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

LS. Hà Thị Thanh - Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Hưng Yên: Tôi hy vọng rằng, khi có LĐLS, tiếng nói của LS sẽ không còn bị “bỏ quên”, giới LS sẽ không còn bị lép vế khi tham gia hoạt động tố tụng. Sau khi ra đời, vấn đề LĐLS cần quan tâm là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho các LS trẻ, với hình thức “đào tạo truyền nghề” thông qua việc kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của các LS đi trước và phương pháp giảng dạy khoa học của các chuyên gia để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo LS. Truyền nghề là quan trọng trong đào tạo LS để tránh tình trạng khi ra hành nghề mà vẫn thiếu các kỹ năng thực tiễn.

LS. Đỗ Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm ĐLS TP.Hải Phòng: Với sự ra đời của LĐLS, giới LS sẽ được nâng cao vai trò và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp. Mọi khó khăn, rào cản trong quá trình tác nghiệp của LS sẽ được gửi đến LĐLS để Liên đoàn kiến nghị, góp ý đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình hành nghề của LS, hạn chế những vướng mắc giữa LS và các cơ quan tố tụng.

LS. Nguyễn Đình Thơ - Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Khánh Hòa: LĐLS sẽ đốc thúc sự phát triển của tổ chức LS thông qua việc thống nhất từ TƯ đến địa phương, đại diện bảo vệ quyền lợi cho LS, tháo gỡ những vướng mắc, phát triển đào tạo nghề LS để có được đội ngũ LS trẻ đáp ứng yêu cầu chuyên môn. LĐLS sẽ là nơi tập hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của LS, ĐLS về các vấn đề trong hoạt động LS và được xã hội quan tâm, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt LĐLS sẽ phải là “đầu mối” giao lưu giữa các LS và ĐLS với nhau, mà trước đây tôi thấy chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các ĐLS. Trong mối quan hệ quốc tế, LĐLS sẽ đại diện cho giới LS Việt Nam và tạo điều kiện cho giới LS giao lưu, tiếp cận yêu cầu hội nhập và phát triển lên tầm cao mới.

LS. Phạm Thị Vạn Thanh - Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lâm Đồng: Tôi rất hào hứng và mong đợi Đại hội với sự ra đời của LĐLS. Theo tôi, sự ra đời của LĐLS là nỗ lực, sự cộng tác chung và sự đồng lòng của giới LS cả nước, thể hiện sức mạnh của giới LS, đáp ứng các yêu cầu thời hội nhập. Có LĐLS, giới LS sẽ có “thủ lĩnh”, có tổ chức đầu mối để gắn bó, hợp tác hơn trong quá trình phát triển./.

Hương Giang