Qua một thời gian dài thực hiện và áp dụng các quy định pháp lý về xử lý vi phạm hành chính nhằm đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nghị định 134/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã không còn phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Xuất phát từ vấn đề đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 cho phù hợp với các quy định mới đã được sửa đổi. Mặc dù mới ban hành nhưng Nghị định 128/2008/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 và thay thế Nghị định 134 đã thể hiện một số bất cập, vướng mắc khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định 128 có những điểm mới cơ bản so với Nghị định 134 như Nghị định 128 hướng dẫn cụ thể hơn việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo Điều 16 của Pháp lệnh theo đó thời hạn áp dụng đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn tối đa không quá 12 tháng; đối với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn thì thời hạn áp dụng từ 12 tháng trở lên. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà các hành vi này bị tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn dài nhất quy định đối với các hành vi vi phạm; nếu không cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng riêng đối với từng hành vi.
Vấn đề ủy quyền xử lý vi phạm hành chính cũng được Nghị định 128 hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn so với Nghị định 134 như trước đây việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cấp trưởng vắng mặt nhưng theo quy định của Nghị định 128 thì cấp trưởng có thể ủy quyền bất cứ thời gian nào mặc dù có vắng mặt hay không. Ngoài ra việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền và đối với trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.
Mức xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục xử phạt đơn giản so với Nghị định 134 cũng được nâng lên theo những quy định mới của Pháp lệnh. Trước đây, mức phạt tối đa của Nghị định 134 theo thủ tục xử phạt đơn giản là 100.000 đồng thì nay Nghị định 128 mức phạt tối thiểu là 10.000 đồng đến mức tối đa là 200.000 đồng. Ngoài ra, trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần cũng được Nghị định 128 hướng dẫn cụ thể theo đó trong trường hợp bị phạt tiền từ 10.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 100.000 đồng trở lên đối với tổ chức và đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế (hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước) thì sẽ được nộp tiền phạt nhiều lần. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 12 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực…
Tuy mới được bàn hành nhưng các quy định mới của Nghị định 128 thể hiện một số bất cập, vướng mắc khi áp dụng cụ thể qua các biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Điều 38 Nghị định 128 quy định các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trước đây, Nghị định 134 ban hành đầy đủ các biểu mẫu biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chỉ cần áp dụng các mẫu thống nhất này để thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính. Nhưng khi Nghị định 128 thay thế Nghị định 134 hướng dẫn các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Thực tiễn áp dụng xử lý vi phạm hành chính sẽ gặp nhiều vướng mắc vì trên thực tế không phải tất cả các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đều có kèm theo các biểu mẫu này. Ví dụ đối với Nghị định 74/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đều có ban hành các biểu mẫu biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính để áp dụng… Hầu hết các Nghị định xử lý vi phạm hành chính sau này đều căn cứ vào các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 134. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2009 (ngày có hiệu lực của Nghị định 128) thì các biểu mẫu áp dụng cho việc xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định cụ thể và nếu căn cứ vào các điều, khoản trong Pháp lệnh thì các biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính sẽ không thống nhất về hình thức gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Do đó hiện nay hầu hết các cơ quan có thẩm quyền đều “chữa cháy” bằng cách sử dụng các biểu mẫu của Nghị định 134 mặc dù Nghị định này đã được thay thế và bãi bỏ.
Thiết nghĩ, công tác xử lý vi phạm hành chính là một trong những công việc quan trọng nhằm đảm bảo trật tự xã hội, giáo dục ý thức cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ pháp luật. Do đó việc ban hành các quy định cũng như các thủ tục áp dụng xử lý vi phạm hành chính cần rõ ràng, cụ thể hơn tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính áp dụng và thực hiện đúng luật./.
Nguyễn Thanh Xuân