Già làng, trưởng bản: ‘Vốn quý” của công tác hòa giải cơ sở

25/01/2009
Giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, thậm chí có người còn chưa thông thạo tiếng phổ thông là khó khăn không nhỏ trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) nói chung và công tác hoà giải ở cơ sở (HGCS) nói riêng ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong tình trạng đó, nhiều địa phương đã biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL và HGCS.

            Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đã xuất hiện ảnh hưởng của một số mặt trái trong chuyển đổi cơ chế thị trường, dẫn dến tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp, đơn thư khiếu kiện, vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự đang có những diễn biến phức tạp... Thực tế tại bản Tây Hưng (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho thấy, những vụ việc nhỏ ở địa phương nếu được phát hiện và hoà giải kịp thời sẽ không phát sinh thành những vụ việc phức tạp, những vi phạm pháp luật sẽ giảm đi đáng kể nếu người dân hiểu biết tôn trọng pháp luật, biết được những việc nào pháp luật cho phép thực hiện, việc nào pháp luật cấm… Nhưng trong điều kiện dân trí thấp, lối sống của người dân còn lạc hậu, nhiều hủ tục còn hằn sâu trong nếp nghĩ thì hoà giải thành các tranh chấp, góp phần làm cho người dân hiểu biết những quy định của pháp luật, từ đó thực hiện pháp luật là một thách thức đối với công tác hoà giải và già làng, trưởng bản – những người có uy tín trong cộng đồng.

            Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân tín nhiệm giao phó, Tổ trưởng tổ hòa giải bản Tây Hưng khẳng định, già làng, trưởng bản phải luôn ý thức được lời ăn, tiếng nói, việc làm của mình là một tấm gương để bà con nhìn nhận học hỏi. Vì thế, họ phải tích cực, kiên trì, không quản ngại gian khổ, chủ động, sáng tạo ra những biện pháp thiết thực để đưa pháp luật đến với người dân và tiến hành hoà giải thành công các vụ việc tranh chấp phát sinh. Thông qua phương pháp vận động quần chúng, nắm bắt kịp thời đầy đủ, chính xác, chi tiết của vụ việc khiếu kiện và tâm lý của đối tượng để kiên trì vận động, thuyết phục vận dụng nhiều hình thức hoà giải linh hoạt, vừa phân tích có lý, có tình, dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc. Bên cạnh đó, những già làng, trưởng bản khi làm công tác hòa giải đã phải vận dụng những hình thức hoà giải phong phú như thông qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tại địa phương đã tiến hành hoà giải thành phần lớn các vụ việc phát sinh ở cơ sở bản.

            Yêu cầu công việc cao là như vậy nhưng cái khó lớn nhất cho những già làng, trưởng bản là chưa được học luật, trình độ nhận thức có hạn và cũng chưa từng một lần được đi tham quan học tập ở đâu để học hỏi kinh nghiệm, ngoài lớp tập huấn hàng năm do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện tổ chức.

            Vì vậy, tổ trưởng tổ hòa giải bản Tây Hưng thấy rằng, Nhà nước cần có giải pháp về kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí thiết yếu phục vụ hoạt động của Tổ Hoà giải (như tài liệu, văn phòng phẩm, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, sơ kết, tổng kết..) cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện kinh tế của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nguồn thu nên không thể dành kinh phí cho công tác HGCS. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải xây dựng đề án thường xuyên cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoà giải; văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện hoà giải; tài liệu, sách hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, sách pháp luật phổ thông, bỏ túi, tờ rơi, tờ gấp… cho các tổ HGCS. Đối với những tổ hòa giải ở các vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh các tài liệu phù hợp với thực tế địa phương thì các tài liệu dịch còn phải được dịch ra tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả công tác HGCS.

           Hơn nữa, già làng, trưởng bản là “vốn quý” của công tác HGCS bởi chính độ tuổi, kinh nghiệm sống, uy tín trong cộng đồng, tâm huyết. Do đó, Nhà nước cũng cần phải có biện pháp để phát huy được “vốn quý” này như tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, có các giải pháp khuyến khích về vật chất và tinh thần... để các già làng, trưởng bản mãi là “điểm tựa” vững chắc cho sự yên ổn của cộng đồng dân cư miền núi./.

Cát Anh