Giả danh hay chống lại Công an xã đều bị nghiêm cấm

02/02/2009
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mới đây đã ký 2 Lệnh số 29 và 30 công bố Pháp lệnh Công an xã và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên. Pháp lệnh Công an xã tới ngày 1/7/2009 mới có hiệu lực, trong khi đó Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên được áp dụng ngay từ ngày 1/1/2009.

Công an xã không được gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân

Pháp lệnh Công an xã được áp dụng đối với Công an xã và cơ quan, tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp lệnh quy định rõ: Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật. Có nhiều hành vi nghiêm cấm được quy định cụ thể trong Pháp lệnh Công an xã như: nghiêm cấm tổ chức, sử dụng lực lượng Công an xã trái với quy định của Pháp lệnh. Các hành vi giả danh Công an xã, chống lại hoặc cản trở Công an xã thi hành công vụ; sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu của Công an xã cũng nằm trong danh sách các hành vi nghiêm cấm của Pháp lệnh. Đặc biệt, Pháp lệnh nghiêm cấm hành vi lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Theo Điều 9 Pháp lệnh, Công an xã được giao 14 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có các nhiệm vụ như: nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp và hướng dẫn của Bộ Công an….

Pháp lệnh cũng quy định rõ, Công an xã gồm các chức danh: Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên. Công an viên được bố trí tại thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôm, phum, sóc và bố trí làm nhiệm vụ thường trực tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã. Chính phủ sẽ quy định khung số lượng Phó Trưởng Công an xã và Công an viên. Trong trường hợp cần thiết, do yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Giám đốc Công an cấp tỉnh sau khi trao đổi, thống nhất với Chủ tịch UBND cấp huyện, quyết định điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Công an xã có con dấu riêng. Về tiền lương và phụ cấp, Pháp lệnh quy định rõ: Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật. Phó Trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng. Chính phủ quy định mức khung phụ cấp đối với Phó Trưởng Công an xã và Công an viên. UBND cấp tỉnh căn cứ và quy định của Chính phủ và thực tế ở địa phương trình HĐND cùng cấp quyết định phụ cấp cụ thể. Về chế độ, chính sách đối với Công an xã, ngay khi Pháp lệnh có hiệu lực, Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần. Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Phó Trưởng Công an xã, Công an viên trong thời gian công tác nếu ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và được xem xét hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương.

Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 và được áp dụng cả với Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy.

Nâng mức thuế suất đối với nhiều loại tài nguyên

Cùng được công bố với Pháp lệnh Công an xã nhưng có hiệu lực thi hành sớm hơn, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên quy định rõ, từ ngày 1/1/2009, khoáng sản kim loại trừ vàng và đất hiếm sẽ phải chịu mức thuế suất từ 5 – 30%. Vàng chịu mức thuế suất từ 6 – 30%, đất hiếm từ 8 – 30%. Nhiều loại tài nguyên khác cũng phải chịu mức thuế suất cao từ ngày 1/1/2009 như: đá quý từ 10 – 30%, gỗ các loại trừ gỗ cành, ngọn, củi: 10 - 40%; trầm hương, kỳ nam: 20 – 30%; yến sào: 10 – 20%. Căn cứ vào biểu thuế sửa đổi này, Chính phủ sẽ quy định chi tiết thuế suất cụ thể của từng loại tài nguyên.

Hồng Thúy