Đổi mới hệ thống tổ chức tòa án: Để củng cố nền tư pháp “gần dân”

26/01/2009
Nghị quyết 49-NQ/TW (ngày 2/6/2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng, nguyên tắc xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân (TAND) là “Tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Đổi mới hệ thống TA ở Việt Nam là cần thiết, nhất là trước những yêu cầu của thời kỳ hội nhập và quá trình toàn cầu hóa.

3 hay 4 cấp là phù hợp?

           Ở nước ta, hệ thống TAND đang được tổ chức theo các cấp hành chính: cấp huyện, tỉnh (trong quân đội là cấp khu vực, cấp quân khu) và TANDTC (ở TƯ). Tuy nhiên, theo PGS.TS.Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), mô hình tổ chức hiện nay dường như đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp với vị trí, vai trò của hệ thống cơ quan này khi TA không phải là cấp xét xử cuối cùng. Bởi nếu có khiếu nại về bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TA thì trách nhiệm giải quyết lại là Quốc hội. Việc xây dựng, cơ cấu lại tổ chức TAND theo cấp xét xử sẽ giải quyết được những vướng mắc đang góp phần gây cản trở cho hoạt động xét xử.

           Đa số ý kiến đại diện các cơ quan tư pháp, tỉnh/ thành ủy địa phương cho rằng cần tổ chức hệ thống tòa án khu vực thành 04 cấp (Tòa Sơ thẩm khu vực, Tòa Phúc thẩm, Tòa Thượng thẩm và TATC) sẽ không tạo ra nhiều sự xáo trộn, là một bước đi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

           Đồng quan điểm này, TS.Nguyễn Sơn (Chánh án TAND TP.Hà Nội) cho rằng, tổ chức hệ thống TAND theo 3 cấp xét xử, mỗi cấp TA có một thẩm quyền xét xử theo trình tự tố tụng tại TA (sơ thẩm, phúc thẩm) mà không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cấp huyện và tỉnh (TANDTC sẽ có thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm) là chưa thể thực hiện được. Vì thực tế TA cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi được tăng thẩm quyền. Và nếu theo mô hình này, TANDTC vẫn phải “gánh vác” trách nhiệm giám đốc thẩm, tái thẩm, chứ không hề được “giảm tải” để tập trung cho công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, nghiên cứu, phát triển án lệ. Vì thế, TS.Sơn thấy rằng nên tổ chức hệ thống TAND theo 4 cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, thượng thẩm và TANDTC) để chuyển thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định của các TA cấp dưới từ TANDTC sang tòa thượng thẩm.

           LS.Nguyễn Trọng Tỵ (Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Hà Nội) cũng thấy việc tổ chức hệ thống TA theo 4 cấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhiều hơn khi tiếp cận công lý. Ông cũng thấy rằng, nên tổ chức tòa thượng thẩm theo vùng (như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ…), chứ không nên tổ chức xét xử lưu động như các Tòa phúc thẩm của TANDTC hiện nay.

           Ngược lại, các nhà khoa học, LS cho rằng, cần tổ chức hệ thống TA khu vực thành 03 cấp: Tòa Sơ thẩm khu vực, Tòa Phúc thẩm và TATC. Phương án này được đánh giá là triệt để, đổi mới căn bản tư duy từ cách thức tổ chức TA theo đơn vị hành chính sang tổ chức theo thẩm quyền xét xử, phù hợp với mô hình các nước tổ chức TA theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức theo 03 cấp như vậy mới tăng “sức mạnh”, sự độc lập thực sự cho TA, mới thực sự là cải cách với mục đích là thay đổi căn bản một mô hình TA. Tuy nhiên, theo phương án này, Tòa án sơ thẩm khu vực phải xét xử tất cả các loại vụ, việc nhưng thực tế Việt Nam hiện nay không phải tất cả các thẩm phán Tòa án sơ thẩm đều đảm đương được.
Do vậy, LS.Phạm Hồng Hải cho rằng, có thể chia tòa sơ thẩm thành 2 cấp (tương đương là các thẩm phán): cấp 1 xét xử những vụ án có khung hình phạt đến 15 năm tù giam; cấp 2 xét xử những vụ án có khung hình phạt đến tử hình. Bên cạnh đó, phải qui định lộ trình chuyển tiếp để đội ngũ thẩm phán có thời gian tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu xét xử, có thể là 3-5 năm trước khi hoàn thiện mô hình tổ chức này.

Sơ thẩm tốt, hiệu quả xét xử cao!

            PGS.TS.Dung cho rằng, dù tổ chức Nhà nước theo chế độ nào thì TA luôn là một bộ phận của tư pháp và có tính độc lập tuyệt đối. Vì thế, đơn vị xét xử phải được phân biệt với đơn vị hành chính hay lập pháp. Sự độc lập của TA không đơn giản được thể hiện trong quá trình xét xử mà phải được đảm bảo để tránh những can thiệp của các cơ quan hành pháp, lập pháp trong hoạt động và đặc biệt là khi ra bản án, quyết định.

            PGS.TS.Dung khẳng định, cải cách tư pháp cũng là nhằm hướng đến một nền tư pháp trong đó không có “vùng cấm” cho hoạt động xét xử và điều chỉnh để mở rộng chính sách “TA độc lập xét xử” ra ngoài phạm vi không gian, thời gian đang tồn tại hiện nay, đồng thời có các chính sách để đảm bảo cho tính độc lập trong xét xử của TA. Để làm được điều này, thành lập các TA khu vực theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính là điều không cần bàn cãi.

            Tuy nhiên, vấn đề là phải tổ chức các TA sao cho đáp ứng được yêu cầu “gần dân, phục vụ dân”.
Với quan điểm, TA cũng là một cơ quan Nhà nước, GS.TS.Đào Trí Úc thấy rằng, không nên tách hoàn toàn mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và TA. Hơn nữa, hiệu quả xét xử phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn xét xử sơ thẩm. Do đó, bên cạnh các TA tương đương TA cấp huyện hiện nay, nên có một số TA khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để tăng cường cho các TA cấp huyện, giúp các TA này có nhiều thời gian để giải quyết các vụ án. Có như vậy mới tăng được hiệu quả công tác xét xử của TA.

            LS.Nguyễn Trọng Tỵ lưu ý, dù tổ chức TA theo hướng đổi mới như thế nào cũng phải lưu ý đến nhiệm vụ “phục vụ nhân dân” chứ không nên chỉ tính đến tiết kiệm cho cơ quan tư pháp. Ở nhiều nước, trụ sở TA không cách khu vực dân cư quá 2 giờ xe chạy. Nhưng với điều kiện địa lý, dân cư ở nước ta, có thể những TA khu vực thành lập sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thuận tiện cho người dân khi có những vùng người dân phải mất nhiều giờ mới đến được trung tâm huyện lỵ hay TA. GS.TS.Lê Minh Tâm (Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội) thấy rằng, biện pháp là TA phải thường xuyên tổ chức lưu động, giải quyết mọi vấn đề cho dân, kể cả hòa giải, để hạn chế tối đa việc dân phải đến TA yêu cầu xét xử.

            Sắp tới, đề án thí điểm thành lập TA khu vực sẽ được tổ chức thực hiện tại TP.HCM. Kết quả thí điểm sẽ được sử dụng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới hệ thống TA trên cả nước. Và yêu cầu quan trọng nhất của việc đổi mới hệ thống TA ở nước ta là phải toàn diện, với giai đoạn sơ thẩm được tập trung cao độ. Điều đó sẽ góp phần củng cố vị trí, vai trò của TA là cơ quan bảo vệ công lý trong thời kỳ hội nhập và Nhà nước pháp quyền XHCN./.

Huy Anh