Trọng tài - phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án của Tây Ban Nha

19/12/2008
Giải quyết tranh chấp ngoài Toà án (Alternative Dispute Resolution)[1] là phương thức giải quyết tranh chấp được ưa thích sử dụng tại mọi quốc gia. Cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án thường bao gồm trọng tài, trung gian và hoà giải.

Bài viết dưới đây của tác giả Đặng Hoàng Oanh giới thiệu về hệ thống giải quyết tranh chấp ngoài Toà án tại Tây Ban Nha, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trọng tài, một phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu, được sử dụng nhiều nhất trong thương mại quốc tế. Hy vọng bài viết sẽ  cung cấp thêm một số thông tin hữu ích, phục vụ việc soạn thảo Luật trọng tài thương mại của Việt Nam hiện nay.

Bài viết gồm 2 phần: Phần 1 giới thiệu chung về hệ thống giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Tây Ban Nha; Phần 2 đi sâu nghiên cứu các quy định cụ thể về trọng tài -  một phương thức giải quyết tranh chấp được các thương gia Tây Ban Nha ưa thích lựa chọn nhất, do những ưu việt vốn có của nó  so với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Toà án.  

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HỆ THỐNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NGOÀI TOÀ ÁN TẠI TÂY BAN NHA

Ở Tây Ban Nha, hệ thống trọng tài, trung gian và hoà giải được áp dụng để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, cũng chưa có một cơ quan đăng ký trung ương để lưu giữ hồ sơ về tổ tụng trọng tài. Những công việc này do các Cộng đồng tự trị tự mình thực hiện.

Năm 1984, chính quyền trung ương thành lập hệ thống để giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của người tiêu dùng hoặc người sử dụng. Nhờ đó, ở cấp trung ương, cũng như tại nhiều khu vực và vùng lãnh thổ, đã có các Hội đồng trọng tài. Các hội đồng này được lập ra để phân xử các vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu dùng nói chung và bảo vệ người tiêu dùng. Ở cấp quốc gia, các Hội đồng trọng tài giải quyết đơn khiếu kiện của các hiệp hội người tiêu dùng và người sử dụng trong nước. Các Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực quan hệ thương mại phức tạp và loại trừ những xung đột có ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật. Theo hệ thống này, thông qua thoả thuận trước, các bên có thể yêu cầu một hoặc nhiều trọng tài viên giải quyết tranh chấp của mình. Sau khi giải quyết tranh chấp, các trọng tài viên có sáu tháng để công bố quyết định về vụ việc. Cách duy nhất để hoãn hoặc chấm dứt vụ việc trong thời hạn 6 tháng này là các bên phải thoả thuận về việc hoãn hoặc chấm dứt.

Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án

Tây Ban Nha có các văn bản sau đây điều chỉnh phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án: Luật số 26/1984 ngày 19 tháng 7, Luật chung về bảo vệ người tiêu dùng và người sử dụng; Luật số 36/1988 ngày 5 tháng 12 về trọng tài; Nghị định số 636/1993 ngày 03 tháng 5.

Yêu cầu về chứng chỉ và/hoặc đào tạo đối với người thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án

Đối với trọng tài, khi việc giải quyết một tranh chấp đòi hỏi phải tôn trọng pháp quyền thì các trọng tài viên phải là luật gia. Các vấn đề khác có thể do người ngoài nghề luật quyết định. Ngoài ra, trọng tài viên không được tham gia vụ việc mà họ có quan hệ với các bên hoặc với vụ tranh chấp. Các thẩm phán và luật sư quận, huyện có thể làm trọng tài viên. Tuy nhiên, công chức trong ngành thuế quan thì không được làm trọng tài viên.

Quản lý nhà nước về giải quyết tranh chấp ngoài Toà án

Các công ty, hiệp hội và cơ quan chính quyền thường quản lý hoạt động trung gian và hoà giải. Viện Tiêu dùng quốc gia theo dõi hoạt động của các Hội đồng trọng tài tiêu dùng. Tuy nhiên, các quy tắc và quy định về trọng tài, trung gian và hoà giải thường được ban hành ở cấp khu vực, thậm chí cấp địa phương.

 II. TRỌNG TÀI

1) Khái quát chung về trọng tài ở Tây Ban Nha

 Phạm vi:  Luật số 60/2003 ngày 23 tháng 12 liên quan đến trọng tài quy định phạm vị áp dụng của Luật này là các hoạt động tố tụng trọng tài được tiến hành trên lãnh thổ Tây Ban Nha, kể cả trong trường hợp thủ tục tố tụng đó có phạm vi quốc tế, với điều kiện Luật này tuân thủ các điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành về trọng tài.

 2) Những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài

 Các vấn đề đã được quyết định bằng một bản án cuối cùng của Toà án, trừ các vấn đề phát sinh từ việc thi hành quyết định đó, không thể được đưa ra trọng tài để giải quyết. Những vấn đề không thể tách rời khỏi các vấn đề khác mà các vấn đề khác này không thể do các bên tự quyết định, thì cũng không thể đưa ra trọng tài để giải quyết. Những vấn đề mà theo quy định của pháp luật, Văn phòng Tổng chưởng lý phải can thiệp bằng cách đứng ra đại diện hoặc bảo vệ cho những người do không có người đại diện hoặc không đủ năng lực nên không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, thì cũng không thể được đưa ra giải quyết tại trọng tài.

3) Trọng tài quốc tế

Trọng tài được coi là trọng tài quốc tế khi:

(i) Các bên trong vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài cư trú ở các nước khác nhau;

(ii) Địa điểm trọng tài được xác định trong thoả thuận trọng tài hoặc theo thoả thuận đó là địa điểm tại một nước không phải là nước nơi các bên cư trú.

(iii) Quan hệ pháp luật làm phát sinh việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có ảnh hưởng đến lợi ích thương mại quốc tế.

4) Thoả thuận trọng tài

Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản và có thể được đưa thành  một điều khoản trong hợp đồng chính hoặc một thoả thuận độc lập với hợp đồng đó.

Thoả thuận trọng tài được coi là thoả thuận bằng văn bản không chỉ khi thoả thuận đó được thể hiện trong một văn bản được các bên ký, mà còn là kết quả trao đổi thư từ hoặc các phương thức liên hệ khác trong đó thể hiện  ý định của các bên muốn đưa tranh chấp ra trọng tài để giải quyết. Tố tụng trọng tài cũng có thể được tiến hành theo di chúc để giải quyết những bất đồng có thể phát sinh giữa những người thừa kế liên quan đến vấn đề phân chia hoặc quản lý di sản.

Thoả thuận trọng tài buộc các bên phải tuân thủ những gì đã cam kết và không cho phép thẩm phán và toà án xét xử các vấn đề thuộc về trọng tài nếu một trong các bên không viện dẫn ngay các ngoại lệ thích hợp đối với thoả thuận trọng tài đó. Các bên có thể bãi bỏ thoả thuận trọng tài để tiến hành khởi kiện ra toà án. Thoả thuận trọng tài bị coi là đã bãi bỏ khi một trong hai bên khởi kiện và bị đơn hoặc các bị đơn không viện dẫn các ngoại lệ thích hợp.

5) Trọng tài viên

Trọng tài viên là cá nhân có đủ năng lực thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Khi tranh chấp phải được quyết định theo luật thì trọng tài viên phải là luật sư hành nghề.

Số lượng trọng tài viên luôn là số lẻ, và các quy tắc bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trong trường hợp có nhiều trọng viên sẽ do các bên thoả thuận. Nếu không có thoả thuận thì hội đồng trọng tài sẽ gồm 3 trọng tài viên và Chủ tịch Hội đồng trọng tài được lựa chọn theo đa số phiếu của các trọng tài viên. Nếu các trọng tài viên không thoả thuận được Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài sẽ là người cao tuổi nhất. Trong trường hợp việc tiến hành tố tụng trọng tài đã được giao cho một công ty hay hiệp hội, thì việc chỉ định Chủ tịch hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy chế của công ty hoặc hiệp hội đó.

Các Phòng thương mại Tây Ban Nha (nhất là Phòng thương mại Madrid, Barcelona và) đã thành lập các Toà án trọng tài. Các toà án này chỉ định trọng tài viên và tiến hành tố tụng trọng tài theo quy tắc riêng của mình.

6) Tố tụng trọng tài

Tố tụng trọng tài bắt đầu được tiến hành khi bị đơn được tống đạt đơn kiện và được yêu cầu gửi văn bản trả lời về đơn kiện đó cho trọng tài. Việc các bên không tham gia không ảnh hưởng đến việc ra quyết định trọng tài hay làm quyết định đó  mất hiệu lực. Trong trường hợp không có các quy định có liên quan trong thoả thuận trọng tài hoặc các quy định về trọng tài, thì các trọng tài viên sẽ quyết định địa điểm tiến hành tố tụng trọng tài, địa điểm nơi xẩy ra bất kỳ sự kiện cụ thể nào, và sẽ thông báo cho các bên. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trọng tài viên sẽ xác định ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ được sử dụng trong tố tụng trọng tài và thông báo cho các bên biết.

Trọng tài viên không phải tuân thủ đúng các thời hạn cụ thể, trừ khi thời hạn đó đã được thoả thuận giữa các bên hoặc thời hạn phải ra quyết định trọng tài do pháp luật quy định. Tuy nhiên, trọng tài viên sẽ ấn định thời hạn cho việc trình bày đơn kiện.

Trọng tài viên theo đề nghị của một bên hoặc tự mình chấp nhận chứng cứ mà trọng tài viên cho rằng phù hợp và được chấp nhận theo quy định của pháp luật. Trong thủ tục xem xét chứng cứ, các bên được thông báo và các bên hoặc đại diện của các bên được phép trình bày ý kiến của mình. Sau khi kết thúc thủ tục xem xét chứng cứ, trọng tài viên có thể đồng ý nghe các bên hoặc đại diện của các bên trình bày.

7) Quyết định trọng tài

Nếu các bên không có thoả thuận khác thì trọng tài viên phải ra quyết định trọng tài trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bị đơn nộp bản trả lời về đơn kiện hoặc từ ngày cuối cùng để nộp bản trả lời đó. Trọng tài viên có thể kéo dài thêm thời hạn này, trừ khi các bên phản đối việc kéo dài đó.

Quyết định trọng tài phải được lập thành văn bản và có chữ ký của tất cả các trọng tài viên và các bên được thông báo về quyết định đó.

Quyết định trọng tài và các thoả thuận hoặc quyết định khác của Hội đồng trọng tài sẽ được quyết định theo đa số phiếu. Trong trường hợp số phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì Chủ tịch sẽ bỏ lá phiếu quyết định. Nếu không đạt được thoả thuận theo đa số thì Chủ tịch sẽ ra quyết định trọng tài. Quyết định trọng tài đầu tiên có hiệu lực tương tự như bản án của toà án. Quyết định trọng tài có thể bị kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng được áp dụng đối với việc kháng cáo các bản án đã có hiệu lực pháp luật.

8) Huỷ  quyết định trọng tài

Quyết định trọng tài chỉ có thể bị huỷ bởi một bên khi bên đó cho rằng và chứng minh được rằng:

Không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận đó vô hiệu; bên đó đã không được thông báo hoặc không được thông báo một cách hợp lệ về việc bổ nhiệm trọng tài viên hoặc bên đó đã không thể thực hiện các quyền của mình vì bất kỳ lý do nào đó trong quá trình tố tụng trọng tài; trọng tài viên đã giải quyết những vấn đề mà các bên không đưa ra trọng tài để giải quyết; việc bổ nhiệm trọng tài viên hoặc tố tụng trọng tài đã không được tiến hành theo thoả thuận của các bên, trừ khi thoả thuận đó trái với trật tự công cộng, hoặc trong trường hợp không có thoả thuận, tố tụng trọng tài đã không được tiến hành theo quy định của pháp luật; và quyết định trọng tài trái với trật tự công cộng.

Việc huỷ bỏ quyết định trọng tại trong các trường hợp nói trên chỉ ảnh hưởng đến những nội dung không thể quyết định hoặc không thể giải quyết bằng trọng tài nếu các nội dung đó không liên quan đến vấn đề chính cần xử lý. Đơn yêu cầu huỷ bỏ phải được nộp trong thời hạn 2 tháng sau khi có thông báo về quyết định trọng tài.

9) Các quy định của luật tư pháp quốc tế

Năng lực của các bên trong việc lập thoả thuận trọng tài được điều chỉnh bởi pháp luật về nhân thân của mình liên quan đến vấn đề tranh chấp.
Giá trị và hiệu lực của thoả thuận trọng tài được điều chỉnh bởi 1) luật do các bên lựa chọn mà có liên quan đến hành vi pháp lý chính hoặc vấn đề tranh chấp; 2) nếu không có sự liên quan đó thì luật điều chỉnh sẽ là luật được áp dụng đối với mối quan hệ mà từ đó phát sinh tranh chấp; 3) nếu không có (1) hoặc (2) thì luật điều chỉnh sẽ là luật của nơi sẽ ra quyết định trọng tài và, nếu nơi ra quyết định trọng tài không được chỉ rõ, thì luật điều chỉnh sẽ là luật nơi thoả thuận trọng tài đã được ký kết.

Trọng tài viên sẽ giải quyết vụ tranh chấp theo luật do các bên xác định/ lựa chọn với điều kiện luật đó có liên quan đến hành vi pháp lý chính hoặc với vấn đề tranh chấp; nếu không thì theo luật được áp dụng đối với quan hệ mà từ đó phát sinh tranh chấp hoặc theo luật phù hợp nhất xét theo hoàn cảnh đó.

10) Trọng tài thương mại quốc tế

Tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại quốc tế thường được đưa ra trọng tài giải quyết. Chủ thể tham gia hoạt động thương mại thường lo ngại về thủ tục tố tụng tại Toà án và lo ngại về thẩm phán vì lý do các thẩm phán không có đủ thời gian và thiếu năng lực giải quyết các vụ việc thương mại quốc tế.

Ngoài ra, việc xét xử tại Toà án thường kéo dài và tốn kém, trong khi tố tụng trọng tài lại linh hoạt, dễ dàng và tương đối tiết kiệm.

11) Điều khoản trọng tài

Việc các bên tranh chấp có quốc tịch khác nhau và sử dụng các ngôn ngữ khác nhau không phải là một trở ngại. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bên cần đưa vào hợp đồng một điều khoản ngắn trong đó nói rằng các bên đồng ý sẽ giải quyết bằng trọng tài các khiếu kiện có thể phát sinh. Sau đó, nếu một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia sẽ có quyền yêu cầu đưa vụ vi phạm ra giải quyết tại trọng tài như đã được quy định trong điều khoản trọng tài. Điều khoản này phải được đưa vào hợp đồng hoặc được lập thành một văn bản riêng và chỉ khi đó trọng tài viên mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh.

2 điều khoản trọng tài Mẫu thường được áp dụng cho các hợp đồng của Tây Ban Nha:

        Điều khoản Mẫu của Phòng Thương mại quốc tế Paris: ''Mọi bất đồng phát sinh từ hợp đồng này sẽ được giải quyết dứt điểm theo các Quy định về hoà giải và trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế, bởi một hoặc nhiều trọng tài viên được chỉ định theo Quy chế này;'' và

·        Điều khoản Mẫu của Toà án trọng tài Tây Ban Nha (một tổ chức tích cực mới bắt đầu hoạt động từ tháng 5 năm 1981, và có uy tín phát triển ở châu Âu và Hoa Kỳ): ''Mọi tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc thực hiện hợp đồng này sẽ được giải quyết dứt điểm thông qua trọng tài bởi một hoặc nhiều trọng tài viên trong khuôn khổ của Toà án trọng tài Tây Ban Nha, theo Quy chế của Toà án đó và các Quy định đối với Uỷ ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế.''

12) Trọng tài vụ việc (Ad Hoc)

Trọng tài thương mại quốc tế có thể là trọng tài vụ việc hoặc trọng tài thường trực. Trọng tài vụ việc là khi các bên tranh chấp trực tiếp chọn trọng tài viên, xem xét tình tiết cụ thể của vụ tranh chấp và nhân thân của trọng tài viên. Trọng tài thường trực là khi các bên đưa tranh chấp phát sinh từ hợp đồng ra giải quyết bằng trọng tài tại một tổ chức và tổ chức này sẽ chỉ định trọng tài viên nếu các bên không chỉ định hoặc không thoả thuận được với nhau về việc chỉ định này. Trong điều khoản về trọng tài của các hợp đồng dài hạn, các bên thường chọn tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

13) Điều ước quốc tế về trọng tài

Hiện nay có 2 điều ước quốc tế đa phương đang có hiệu lực tại Tây Ban Nha.

Công ước New York về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài ngày 10/6/1958 (Công báo quốc gia ngày 11/7/1977)
Công ước này có những đặc điểm sau đây:

        Thừa nhận sự tồn tại của trọng tài vụ việc đối với một số vụ việc nhất định;

·        Trách nhiệm chứng minh được đảo ngược, nghĩa là bên thua kiện có nghĩa vụ chứng minh một số yếu tố của tố tụng trọng tài là vô hiệu và vô giá trị; và

·        Cho phép công nhận và thi hành một phần quyết định trọng tài.

Công ước Geneva ngày 21/04/1961 về trọng tài thương mại quốc tế (Công báo quốc gia ngày 04/10/1975)

Công ước này không quy định cụ thể về các trường hợp công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài vì mục đích của nó là làm cho nhu cầu của châu Âu phù hợp với Công ước New York năm 1958. Mục đích chính của Công ước Geneva là quy định về tổ chức của trọng tài và tính khả thi của thoả thuận trọng tài.

Điều ước quốc tế song phương về trọng tài

Tây Ban Nha đã ký nhiều điều ước quốc tế song phương, trong đó quan trọng nhất là các điều ước sau đây:

·        Điều ước song phương với Thuỵ Sỹ về thi hành bản án, quyết định của nhau năm 1896 (Công báo Madrid ngày 09/7/1898), trong đó Điều 1 quy định về các quyết định cuối cùng về dân sự và thương mại của các toà án thường, trọng tài viên v.v…;

·        Điều ước song phương với Pháp ký tại Paris ngày 28/05/1969, được phê chuẩn bởi Văn kiện ngày 20/01/1970 (Công báo quốc gia ngày 14/03/1970);

·        Điều ước song phương với Ý ngày 22/05/1973, được phê chuẩn bởi Văn kiện ngày 17/07/1977 (Công báo quốc gia ngày 15/11/1977); và

·        Điều ước song phương với Mêhicô về công nhận và thi hành bản án của toà án và quyết định của trọng tài về dân sự và thương mại, làm tại Madrid ngày 17/04/1989 (Công báo quốc gia ngày 09/4/1991, số 85. R. 919).

14) Thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài

a) Những nguyên tắc chung

Quyết định của trọng tài nước ngoài được thi hành tại Tây Ban Nha theo các điều ước quốc tế cấu thành một bộ phận của pháp luật trong nước của Tây Ban Nha, và trong trường hợp không có các điều ước quốc tế, thì theo Công ước New York ngày 10/06/1958 và các quy định được áp dụng đối với bản án nước ngoài trong Luật Tố tụng dân sự và các quy định trong Luật Trọng tài.

Quyết định của trọng tài nước ngoài là quyết định được đưa ra ở bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha.

Việc thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài được tiến hành tại Toà án sơ thẩm hoặc Toà án thương mại nơi người phải thi hành quyết định thường trú.
 
Việc thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài được tiến hành theo các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thi hành bản án của toà án nước ngoài.
 
Trong trường hợp việc thi hành một quyết định của trọng tài nước ngoài bị từ chối vì có sai sót về mặt hình thức, thì sau khi đã khắc phục sai sót đó, bên liên quan có thể tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành quyết định.

b) Trường hợp không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài

Toà án chỉ tuyên bố không công nhận quyết định của trọng tài nước ngoài nếu quyết định trọng tài đó trái với trật tự công hoặc nếu trọng tài viên đã giải quyết vụ tranh chấp mà theo pháp luật Tây Ban Nha thì vụ tranh chấp đó không thể được giải quyết bằng trọng tài. Theo đơn yêu cầu của một bên, Toà án cũng có thể đưa ra tuyên bố nói trên nếu: 1) Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo luật được áp dụng; 2) Việc việc bổ nhiệm trọng tài viên hoặc tố tụng trọng tài không được tuân thủ theo luật; 3) Vấn đề không  được các bên thoả thuận giải quyết bằng Trọng tài.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

___________________________________________ 

Bài viết có liên quan: 

1.Những vấn đề tồn tại trong pháp luật và thực tiễn công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài: Thử nhìn từ vụ việc TYCO

2.Công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ tại nước gốc theo Công ước  New York 1958: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

3. Một số điểm bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam về quy định tuyên  quyết định trọng tài theo nguyên tắc đa số

4. Pháp luật và thực tiễn của Australia về hoà giải - một số kiến nghị áp dụng cho Việt Nam

5. Sydney chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công tác Australia với những kết quả thành công ngoài mong đợi về kinh nghiệm hoà giải ở cơ sở

6. Mốc son mới trong quan hệ hợp tác pháp luật - tư pháp Việt Nam – Australia

7. Pháp luật và thực tiễn của Australia về hoà giải ở cơ sở: Mô hình lập pháp, Quản lý nhà nước một cách hiệu quả và Thông lệ̣ Hòa giải Phổ biến nhất

8. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn đầu đoàn cán bộ khảo sát pháp luật và thực tiễn của Australia về hoà giải ở cơ sở

 


[1] Thuật ngữ “Alternative Dispute Resolution” (ADR) thường được dịch và sử dụng trong tiếng Việt là “Giải quyết tranh chấp thay thế”. Do “Alternative” (“thay thế”) ở đây được hiểu là “thay thế Toà án”, nên tác giả lựa chọn cách dịch và sử dụng ADR là “Giải quyết tranh chấp ngoài Toà án”. Cách gọi này được “Việt hoá” và  thể hiện được đầy đủ hơn nội hàm của thuật ngữ ADR.



EMC Đã kết nối EMC