Nội dung Hội đàm về Dự thảo Chương trình hợp tác hai năm (2009 - 2010) triển khai thực hiện Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHLB Đức

10/11/2008
Ngày 29.02.2008 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngài Tiến sĩ Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Liên bang Đức thay mặt Chính phủ Đức, đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Theo đó, lần đầu tiên hai Chính phủ cam kết sẽ thực hiện việc hợp tác với nhau về pháp luật và tư pháp một cách toàn diện và hiệu quả trên quy mô rộng và sâu hơn sự hợp tác trong những năm qua và thông qua cơ quan đầu mối của hai Chính phủ. 

Cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Tuyên bố chung về phía Việt Nam là Bộ Tư pháp, về phía Đức là Viện Konrad-Adennauer. 

Hai Bên đã chuẩn bị dự thảo Chương trình hợp tác hai năm đầu (2009 - 2010) nhằm triển khai thực hiện Tuyên bố chung. Dự thảo Chương trình hợp tác này được xây dựng trên cơ sở đề xuất hợp tác của các B, ngành của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan của Đức. Với Chương trình hợp tác hai năm, hai Bên dự kiến sẽ tổ chức một Hội nghị khởi động tại Việt Nam để triển khai thực hiện Tuyên bố chung vào mùa xuân năm 2009 với sự tham gia của một phái đoàn cấp cao của Bộ Tư pháp Liên bang và các cơ quan hữu quan của  Việt Nam.

Để chuẩn bị cho Hội nghị khởi động, một Đoàn chuyên gia Bộ Tư pháp Liên bang Đức đã sang Việt Nam và tiến hành đàm phán với Bộ Tư pháp Việt Nam vào sáng ngày 6.11.2008 về dự thảo  Chương trình hợp tác hai năm 2009 - 2010.

Ông Nguyễn Huy Ngát, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đã tiến hành hội đàm với ông Ts.Wilfried Bernhardt, Vụ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang CHLB Đức. Tham dự Hội đàm về phía Việt Nam có sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; về phía Đức có Ngài Rolf Schulze, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam;  ông Ts. Willibold Frehner, Trưởng Đại diện Viện Konrad-Adenauer tại Việt Nam;  các vị khách đến từ Bộ Tư pháp Liên bang, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam; một số cơ quan, tổ chức của Đức hoạt động tại Việt Nam như Viện Friedrich - Ebert, DED, InWEnt.

Hai Bên đã trao đổi về dự kiến Chương trình hợp tác 2 năm (2009 - 2010) trên  các lĩnh vực sau đây:

I. Thực hiện các công ước quốc tế mà hai Bên cùng ký kết hoặc tham gia: 

1.Hỗ trợ việc thực thi các quy định của WTO (WTO compliance), bao gồm cả Hiệp định GATS và TRIPS và tăng cường năng lực thực thi các cam kết trong WTO

2.Hỗ trợ thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của Liên hợp quốc (ICESCR)

3.Hỗ trợ thực thi luật biển quốc tế

4.Thực thi pháp luật hình sự quốc tế

II.Tạo các tiền đề trong nước để gia nhập các công ước quốc tế mà hai Bên cùng quan tâm và đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết quốc tế phát sinh từ các công ước quốc tế đó:

1. Trao đổi về việc gia nhập các Công ước nhân quyền của Liên hợp quốc

2. Trao đổi về việc gia nhập các Công ước La Hay về pháp luật dân sự quốc tế

3. Pháp luật bảo vệ môi trường

III. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và địa vị pháp lý của các chức danh tư pháp như thẩm phán, công tố viên, Luật sư, Công chứng viên và các chức danh tư pháp khác; khuyến nghị hợp tác về xây dựng pháp luật trong lĩnh vực này:

1. Trao đổi về vị trí của Viện Công tố trong Nhà nước và xã hội

2. Trao đổi về vị trí của Luật sư trong Nhà nước và xã hội

3. Tăng cường năng lực cho Luật sư

4. Tăng cường năng lực hoạt động của Công chứng viên

5. Tăng cường năng lực Thi hành án dân sự và năng lực Chấp hành viên

6. Nâng cao năng lực đào tạo Chấp hành viên, đào tạo quản giáo và đào tạo các chức danh tư pháp khác

7. Tăng cường công tác Giám định tư pháp

IV. Pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự

1.Hỗ trợ soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLDS liên quan đến pháp luật về hợp đồng và sở hữu  

2.Hỗ trợ soạn thảo một số các văn bản cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành Bộ Luật dân sự sửa đổi trong các lĩnh vực như: đăng ký bất động sản, bồi thường thiệt hại, thừa kế và các lĩnh vực khác 

3. Quy trình lập pháp cũng như áp dụng pháp luật của Đức và Châu Âu 

4. Bảo đảm các quyền của người tiêu dùng  

5. Các quy định của Đức, Việt Nam và quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và việc thực thi các quyền đó. 

V. Pháp luật Thương mại 

1.Trao đổi về đăng ký doanh nghiệp và các nghĩa vụ của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân 

2.Trao đổi về các nghĩa vụ thông tin và nghĩa vụ cân đối tài chính của các công ty cổ phần 

VI. Pháp luật về Lao động, về Công đoàn và về Xã hội 

VII. Pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự  

1.Bảo đảm các quyền của người tham gia tố tụng hình sự 

2.Những khả năng bảo vệ quyền cho phụ nữ 

3. Một số vấn đề thời sự trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự  

4. Tương trợ tư pháp

o Trong lĩnh vực dân sự

o Trong lĩnh vực hình sự

o Nghiên cứu khả năng gia nhập Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế  

VIII. Tiếp tục phát triển pháp luật trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, thi hành án hình sự, cải thiện tình hình tương trợ tư pháp trong các vụ án hình sự với mục tiêu đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách toàn diện

1.Khả năng phòng chống tội phạm có tổ chức

2.Xây dựng Luật Tố tụng hình sự và các thủ tục tố tụng tại Toà án: loại hình phiên toà thẩm vấn hay tranh tụng

3.Trao đổi về các khả năng phòng chống các tội phạm kinh tế/ tội tham nhũng

4. Hợp tác nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về tiền án, và bảo vệ dữ liệu cá nhân

IX. Tiếp tục phát triển ngành tư pháp và hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật với mục tiêu đảm bảo cho pháp luật được thực thi một cách toàn diện, kể cả việc nghiên cứu cơ chế phán quyết về những hành vi vi phạm Hiến pháp.

1.Các biện pháp tăng cường năng lực của Quốc hội

2. Các khả năng tiếp tục phát triển sự kiểm tra tính hợp Hiến của văn bản pháp luật

3. Hiện đại hoá quy trình và kỹ thuật lập pháp

4. Trao đổi về vị trí của ngành tư pháp trong Nhà nước và xã hội; các vấn đề liên quan đến tài phán dân sự, hình sự và hành chính

5. Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong Nhà nước pháp quyền

6. Hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

7. Tăng cường công tác rà soát và hệ thống hoá Văn bản QPPL

8. Tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao văn hoá pháp luật trong nhân dân, tư vấn pháp luật và hoàn thiện thể chế về công tác này

9. Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tài chính cho các bên tham gia phiên toà

X. Tài liệu và cơ sở dữ liệu thông tin pháp luật và các đạo luật Việt - Đức: 

Tạp chí luật Việt - Đức, Tự điển pháp luật Đức - Việt - Anh, văn bản pháp luật Việt - Đức, trang web pháp luật Việt- Đức - Anh, trang web về các cơ quan pháp luật Đức - Việt và các cơ quan đầu mối thực hiện Tuyên bố chung.

XI. Hỗ trợ thành lập và vận hành Trung tâm Luật Đức thông qua các hoạt động nghiên cứu, hội thảo, tập huấn.

Hai Bên ghi nhận những đề xuất hợp tác của nhau. Phần lớn các hoạt động hợp tác nêu trên đã được nhất trí đưa vào Chương trình hợp tác hai năm 2009 - 2010. Song, để đi đến Dự thảo cuối cùng, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Đức sẽ còn tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan của mỗi nước và sau đó hai Bên sẽ thông báo cho nhau Dự thảo cuối cùng trong thời gian sớm nhất. Phía Việt Nam cũng đề nghị phía Đức hỗ trợ toàn bộ kinh phí triển khai thực hiện Chương trình hợp tác hai năm đầu để các hoạt động hợp tác được khả thi.  

Hội đàm đã kết thúc tốt đẹp trên tinh thần hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. 

Nguyễn Bích Ngọc - Chuyên viên chính Vụ HTQT