Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020: Có nên tích hợp chiến lược cải cách pháp luật và tư pháp?

10/11/2008
Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành 2 bản Chiến lược nhằm phát triển, đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm mô hình thích hợp, đúng đắn để đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là giải quyết thành công bài toán giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Một nhân tố không thể thiếu của mô hình ấy chính là sự cần thiết lồng ghép nội dung cải cách tư pháp vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cho thời kỳ mới - thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Chiến lược mới phải gánh vác sứ mệnh lịch sử

Đó là 2 bản Chiến lược với nội dung cơ bản được thể hiện qua tên gọi: “Chiến lược ổn định và phát triển KTXH đến năm 2000” cho thời kỳ 1991 – 2000 và “Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng XHCN, xây dựng nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” (Chiến lược thời kỳ 2001 - 2010). Điều quan trọng hơn cả là việc thực hiện thành công 2 bản Chiến lược đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống của người dân, tạo nên sự ổn định chính trị, xã hội và tạo tiền đề cho Việt Nam chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Việt Nam nổi lên như một ví dụ thành công về sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gắn với việc xoá đói, giảm nghèo. Theo đó, chỉ trong hơn một thập kỷ đã cắt giảm số người nghèo từ 60% xuống còn 16%; Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn với số vốn FDI không ngừng gia tăng và là điểm đến đáng tin cậy của bạn bè quốc tế; uy tín và vai trò của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như hiệu quả đầu tư thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tình trạng tham nhũng nhức nhối, thủ tục hành chính rườm rà… Vì vậy, để đạt được mục tiêu lịch sử “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” đã nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X thì Chiến lược phát triển KTXH thời kỳ 2011 – 2020 phải là một chiến lược tổng thể, tích hợp được toàn bộ chiến lược phát triển của các bộ, ngành, địa phương nhằm tránh tình trạng manh mún, dàn trải, gây lãng phí to lớn, chỉ vì lợi ích cục bộ của từng bộ, ngành, địa phương. Và một trong những vấn đề đáng quan tâm là thể hiện đầy đủ, lồng ghép nội dung cải cách tư pháp vào Chiến lược phát triển KTXH. Nói cách khác, chúng ta phải chú trọng đến ảnh hưởng của nhiệm vụ nhà nước pháp quyền trong việc thực hiện các mục tiêu KTXH.

Lồng ghép sẽ mang lại nhiều lợi ích

Riêng trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tầm nhìn về cải cách 2 lĩnh vực này đã có bước phát triển đi trước so với việc lập kế hoạch phát triển KTXH ở chỗ đã đề ra được và hiện đang triển khai tích cực Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Điều rất có ý nghĩa là cả 2 bản Chiến lược cải cách pháp luật và cải cách tư pháp đều có sự tương đồng, thống nhất ở mục tiêu chung là góp phần đắc lực cho việc thực hiện những mục tiêu phát triển xã hội sâu rộng. Trong Chiến lược cải cách pháp luật, đó là “phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế, xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Còn trong Chiến lược cải cách tư pháp là “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam XHCN”. Ngoài ra, Chiến lược cải cách tư pháp cũng nêu quan điểm “cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển KTXH…; góp phần thúc đẩy sự phát triển KTXH”.

Nhiều nhà khoa học khẳng định, sự gắn kết và tích hợp Chiến lược cải cách pháp luật và cải cách tư pháp vào Chiến lược phát triển KTXH thời kỳ 2011 – 2020 hoàn toàn có cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn. Theo Phó Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh, lồng ghép nội dung cải cách tư pháp vào Chiến lược phát triển KTXH sẽ mang lại những ích lợi đáng kể cho sự tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta. Một hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý khiến cho bộ máy nhà nước trở nên công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình, góp phần hạn chế, đẩy lùi tham nhũng, quan liêu trong các cơ quan công quyền. Từ đó, tạo ra môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi cho đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế, đồng thời giúp bảo vệ quyền lợi của người dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong cuộc sống và xã hội…

Ông Ngô Doãn Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại chia sẻ, hệ thống luật pháp và tư pháp phải là một trong những bộ phận của Chiến lược phát triển đất nước và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự thành bại của Chiến lược phát triển KTXH. Không chỉ góp phần vào phát triển KTXH, hệ thống pháp luật và tư pháp tốt và được thực thi hữu hiệu còn là nền tảng phát triển của đất nước. Ông Vinh nhấn mạnh, sự giàu có của đất nước, khả năng đối mặt với khó khăn được quyết định rất lớn bởi sự vững mạnh của thể chế, ý chí của chính phủ và người dân về tuân thủ pháp luật.

Hoàng Thư

Phó Chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh: Lồng ghép nội dung cải cách tư pháp vào Chiến lược phát triển KTXH thực chất là chuyển đổi phương thức quản lý từ cơ chế bao cấp, xin – cho sang chế độ pháp quyền. Bởi thế, để lồng ghép nội dung trên vào Chiến lược phát triển KTXH đòi hỏi trước hết phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chế độ quản lý nhà nước, xã hội bằng pháp luật. Thứ 2, biểu đạt chế độ pháp quyền một cách rõ ràng trong mục tiêu và giải pháp thực hiện Chiến lược. Tiếp nữa, cần nhất quán trong tư tưởng và hành động, trong mục tiêu và giải pháp, nhất là trong tổ chức thực hiện. Cuối cùng là sự tham gia, đóng góp ý kiến của giới luật gia, đội ngũ cán bộ tư pháp trong việc xây dựng Chiến lược.